Tọa lạc bên cạnh quốc lộ 3, trên đường từ thị xã Cao Bằng đi cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, thuộc xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng, bản Pác Rằng gồm 250 nhân khẩu đồng bào dân tộc Nùng An sinh sống, với những làng nghề thú vị và nhiều nét văn hóa độc đáo đang là điểm du lịch hấp dẫn đối với các khách du lịch trong và ngoài nước.
Bức tranh bình yên, thơ mộng tại bản Pác Rằng
Nằm lọt thỏm trong một thung lũng xanh tươi, phía trước là canh đồng nhỏ, biến đổi màu sắc liên tục theo từng mùa, cuối bản có một mỏ nước trong vắt không bao giờ cạn, phía sau thì được ôm ấp, chở che bởi những ngọn núi đá hùng vĩ và những cánh rừng nguyên sinh mơn mởn, khiến không gian nơi bản Pác Rằng lúc nào cũng trong lành, thanh khiết và mát lạnh.Bước vào bên trong làng, du khách sẽ ngay lập tức bị ấn tượng bởi những ngôi nhà truyền thống của người Nùng An, với kiểu kiến trúc nhà sàn gỗ 2 tầng: tầng 1 là chuồng trại gia súc, các công trình vệ sinh và lò rèn, tầng 2 gồm các phòng ngủ, phòng khách và bếp được bố trí khéo léo, hợp lý để đảm không gian sinh hoạt thoải mái cho các thành viên trong gia đình, còn tầng lửng thì được tận dụng để làm kho chứa nông sản.
Ngoài ra, trong làng Pác Rằng còn lưu giữ cả những ngôi nhà có tường đá vững chắc, kiên cố, vách được trát đất trộn với rơm, mái thì được lợp bằng ngói âm dương, tựa như kiến trúc của một ngôi chùa cổ, khiến ai cũng đều yêu thích không thôi.
Những nét đẹp văn hóa thú vị của bản Pác Rằng
1. Nghề rèn
Ngay khi đặt chân tới đầu bản, du khách đã ngay lập tức bị thu hút bởi âm thanh vang dội, nhịp nhàng như một điệu nhạc của những tiếng quai bố nện xuống kim loại và tiếng xì xèo của những thanh sắt nóng đỏ au được nhúng vào nước lạnh, vâng đó chính là hoạt động quen thuộc của nghề rèn truyền thống – linh hồn của Pác Rằng.Trong khi hầu hết các làng nghề truyền thống đang dần bị mai một và có nguy cơ bị thất truyền vì có quá nhiều các ngành công nghiệp hiện đại với mức thu nhập cao được ra đời, thì tại nơi thôn quê bình yên này những đôi tay rắn chắc của nam thanh niên và các cụ già vẫn cứ đỏ lửa ngày đêm giữ cái “hồn truyền thống” mà ông cha để lại.
Với người dân nơi bản Pác Rằng, nghề rèn không đơn giản chỉ là nguồn kiếm sống mà còn là nét văn hóa truyền thống quý giá và niềm tự hào to lớn, ai mà không biết rèn thì coi như chưa phải là đàn ông trong bản rổi. Vậy nên, nó sẽ vẫn còn được bảo tồn mãi mãi ngàn đời sau.
Điều đặc biệt khiến ai đến đây cũng phải trầm trồ, thán phục không ngớt là mỗi sản phẩm mà họ làm ra chẳng đáng giá bao nhiêu tiền, cao nhất của chỉ có 100 ngàn đồng, mua nhiều còn rẻ hơn, nhưng để làm ra một sản phẩm thì lại tốn rất nhiều công sức và thời gian.
Theo đó nguồn nguyên liệu được lựa chọn phải là thép tốt từ những thanh nhíp ô tô cũ, sau khi nung qua lửa cho vừa độ sẽ dùng búa gõ đều tay, rồi lại dàn, tôi và nhúng nước trong liên tục 90 phút để tạo thành những lưỡi dao mỏng tang, bóng loáng nhưng lại cực kỳ sắc bén, có thể chặt xương “ngọt lịm” hay chặt đinh cũng chẳng có lấy một miếng sứt mẻ trên dao.
Phải yêu nghề thế nào thì người bản Pác Rằng Cao Bằng mới có thể kiên trì giữ nghề đến thế, để rồi họ đã được đáp trả xứng đáng khi mà dao Phúc Sen đã trở nên cực kỳ nổi tiếng, khiến ai cũng đều lựa chọn chúng là món quà du lịch Cao Bằng không thể thiếu.
2. Nghề dệt
Một nét văn hóa truyền thống ấn tượng của các cộng đồng dân tộc thiểu số nói chung và người Nùng An ở bản làng Pác Rằng nói riêng là nghề dệt. Tất cả các trang phục hiện tại họ đang mặc trên người đều do chính đôi bàn tay khéo léo của các bà, các cô và các chị tự may và dệt lấy. Thậm chí, những tấm vải màu chàm ấn tượng còn được họ tự nhuộm bằng màu sắc tự nhiên, nên cực kỳ an toàn và chất lượng.Đặc biệt, người dân còn mặc trang phục truyền thống ở mọi lúc, mọi nơi từ đi làm, đi học, đi chơi, thăm họ hàng, làm đồng, làm nương rẫy, cho đến tham gia những dịp lễ Tết hay đi sang nơi khác, như một cách để tôn vinh và quảng bá nét đẹp của dân tộc mình. Điều này rất đáng để học hỏi.
3. Truyền thống văn hóa, văn nghệ
Người Nùng An không chỉ chăm chỉ, cần cù mà còn cực kỳ yêu văn hóa, văn nghệ. Trong những ngày lễ hội quan trọng của bản Pác Rằng thì các làn điệu dân ca, dân vũ dân tộc sẽ được mọi người cùng nhau thể hiện, tạo nên một không khí hết sức sôi động và nhộn nhịp.Điển hình là làn điệu hèo phươn - gọi bạn cùng hát, hà lều, sli hay lượn (hát giao duyên) – điệu hát đối đáp giữa các cặp nam nữ,…Lúc này những lời hát có từ ngữ chan chứa, sâu lắng, trừ tình được thể hiện qua chất gọng trầm rắn rỏi hòa quyện với âm thanh trong veo, cao vút, khiến ai cũng bị cuốn hút, không cưỡng lại được.
Đến với cộng đồng du lịch Pác Rằng, du khách sẽ được người dân trong thôn tận tay chỉ bảo hướng dẫn rèn dao, công cụ sản xuất, hay tham gia công đoạn làm nên một bộ quần áo bền đẹp: từ trồng bông, cán bông, se sợi, nhuộm vải cho đến dệt, khâu và thêu…
Ngoài ra, bạn cũng sẽ được người dân trổ tài nấu nướng và chiêu đãi các món ăn truyền thống đặc sắc như: khâu nhục, thịt vị quay 7 vị, rau dạ hiến dào thịt bò, thạp sườn hun khói và thịt bò gác bếp…Đảm bảo bạn sẽ phải ăn đến “căng rốn” mới ngừng lại được đấy.
Hơn nữa, những người dân thân thiện nơi đây còn cùng bạn tâm sự, trò chuyện và dẫn bạn đi tham quan những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh hay những bờ kè bằng đá rắn chắc, dầm mưa nắng quanh năm cũng chẳng bao giờ bị sạt lở… chắc chắn sẽ thú vị lắm cho xem.
Và tất nhiên, đừng quên ghé thăm các địa điểm du lịch nổi tiếng gần đó như: thác Bản Giốc, hồ Thang Hen hay động Ngườm Ngao…để chuyến đi thêm phần đáng nhớ và tuyệt vời hơn đấy nhé.
Hiện nay, bản Pác Rằng đã được đầu tư nhiều hơn để phát triển về du lịch và nâng cao đời sống cho người dân, vì thế, nơi đây hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến nổi tiếng mà du khách không thể bỏ qua tại Cao Bằng.
Wondertour – Du lịch đích thực luôn đồng hành cùng bạn trên khắp cung đường.
Thông tin liên hệ
Công ty cổ phần Du lịch & Truyền thông Giáo dục Wonder
Địa chỉ: 100 Xã Đàn, phương Phương Liên, quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Hotline: 0931.722.777 – 0243.7722.777