Ngược dòng tăng trưởng
Sau thời gian dài “ngủ Đông” bởi ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đã từng bước vươn lên mạnh mẽ. Năm 2023 có thể nói là năm bản lề, ghi dấu sự phục hồi của ngành du lịch. Tổng cục Thống kê cho biết, trong năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt người, gấp 3,4 lần so với năm 2022 và vượt xa mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế. Mặc dù chưa hoàn toàn đạt số lượng như năm 2019 – thời điểm trước Covid-19, nhưng kết quả trên phản ánh sức hút trở lại của du lịch Việt Nam đối với bạn bè năm châu.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) cho biết, kết quả đó có được nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, tìm ra các giải pháp phát triển du lịch quốc tế đến Việt Nam một cách bền vững. Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững được ban hành mở ra nhiều cơ hội, đưa ra giải pháp cụ thể cho du lịch Việt Nam. Cùng với đó, đòn bẩy từ nới lỏng chính sách thị thực, gia hạn thời gian lưu trú cho công dân một số nước khi đến Việt Nam đã trở thành cú huých cho du lịch tăng tốc.
Đáng chú ý, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng mạnh. Tổng cục Thống kê cho hay, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2023 ước đạt 673.500 tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng mức và tăng 14,7% so với năm 2022; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 37.800 tỷ đồng, tăng 52,5% so với năm trước đó.
Nhiều địa phương đã chủ động thay đổi, phát triển nhiều sản phẩm du lịch, hoạt động văn hóa, thể thao đa dạng nhằm kích cầu du lịch, kéo du khách đến nhiều hơn. Trong đó, một số địa phương ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu du lịch như Đà Nẵng tăng 133,8%, TP.HCM tăng 68%, Hà Nội tăng 47,5%, Hải Phòng tăng 41,9%, Cần Thơ tăng 29,1%…
Năm qua, ngoài khách du lịch ở các thị trường truyền thống, Việt Nam đã chủ động trong thu hút du khách ở các thị trường mới như Ấn Độ. Với 1,4 tỷ dân, đây là thị trường tiềm năng và nhiều địa phương đã rất nhanh nhạy, thành công khi đưa các món ăn Ấn Độ trong thực đơn để tăng sức hút.
Ông Lê Công Năng, Tổng giám đốc Công ty du lịch Wondertour cho biết, du lịch Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi khá tích cực, đặc biệt là các đoàn du lịch Việt Nam đi nước ngoài và thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Năng cho rằng, để phát triển du lịch Việt Nam sôi động hơn, thu hút đông khách hơn cần phải đa dạng sản phẩm. Từ trước đến nay, khách nước ngoài đến Việt Nam quá quen thuộc với các tour trải nghiệm Tây Bắc, khám phá văn hóa, Tết cổ truyền, khám phá biển Việt Nam… Để sinh động hơn, cần có thêm những sản phẩm du lịch mới như du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch lễ hội, du lịch thể thao…
“Sau Covid-19, Việt Nam lẽ ra có lợi thế trở thành thủ phủ của du lịch chăm sóc sức khỏe. Nếu nói về du lịch thẩm mỹ thì không qua được Hàn Quốc, du lịch y tế không qua được Thái Lan hay Singapore, nhưng Việt Nam có điểm mạnh về y học cổ truyền, nên đẩy mạnh trở thành du lịch chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, tạo sự khác biệt”, CEO Wondertour bày tỏ quan điểm.
Bên cạnh đà tăng mạnh của khách quốc tế đến Việt Nam, du lịch nội địa cũng ghi nhận nhiều hứng khởi với 108 triệu lượt khách trong năm qua, tăng hơn 5,8% so với năm liền trước.
“Năm 2023, những người làm du lịch như chúng tôi vui hơn khi hoạt động bán tour, bán phòng khách sạn, vé máy bay trở nên sôi nổi. Nhiều gia đình không chỉ đi vào dịp nghỉ lễ, tết hay dịp hè, mà đi cả những dịp mùa thấp điểm vé máy bay và vé phòng hạ nhiệt hơn”, Trần Thanh Hà (Thanh Xuân, Hà Nội), một đại lý bán tour chia sẻ.
Du lịch Việt Nam năm 2023 đã có sự trỗi dậy mạnh mẽ. Việt Nam là một trong những quốc gia được Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá cao về mức độ an toàn cùng với giá cả chi tiêu phù hợp cho đa phần các phân khúc khách du lịch.
Để du lịch cất cánh
Việt Nam đặt mục tiêu đón 17 – 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng trong năm 2024. Để hiện thực hóa mục tiêu, ngay từ đầu năm, nhiều địa phương đã có kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng du lịch. Các tour Tết được thiết kế đa dạng, gia tăng sức hút.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông – Marketing Công ty TST tourist cho biết, nhu cầu du lịch dịp Tết Nguyên đán 2024 ghi nhận tín hiệu tích cực từ du khách. Theo xu hướng thị trường Tết Nguyên đán năm nay, du khách chọn tour trọn gói theo các tuyến xa nhiều hơn, kể cả trong và ngoài nước.
Để du lịch Việt Nam cất cánh mạnh mẽ trong thời gian tới, ông Hoàng Nhân Chính cho rằng, từ bài học của các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Việt Nam cần sớm làm công tác nghiên cứu thị trường, hiểu nhu cầu của khách hàng và đưa ra sản phẩm quảng bá phù hợp.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp lữ hành cũng kiến nghị nội dung trên, để đánh giá chính xác sự phục hồi của ngành du lịch, phân tích xu hướng du lịch, chuẩn bị sản phẩm du lịch cho đúng. Bởi đưa sản phẩm đúng nhu cầu sẽ gia tăng sức hút và phát triển du lịch trở nên bền vững. Các sản phẩm du lịch cũng cần chú trọng đến nâng cao giá trị văn hóa bản địa, tạo nét riêng trong thu hút khách.
Còn theo ông Lê Công Năng, đi cùng với gia tăng về số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam, cần đẩy mạnh tăng mức chi trả của khách quốc tế đến Việt Nam, tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp lữ hành.
Theo CEO Wondertour, sự khởi sắc của du lịch năm qua mới dừng lại ở các con số tăng trưởng bề nổi, còn hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành vẫn gặp nhiều khó khăn. Khách hiện nay chủ động trong đi du lịch, tự mua vé, đặt phòng, thị phần cho các công ty du lịch với tour trọn gói giảm xuống, doanh thu và lợi nhuận của công ty lữ hành giảm. Để các doanh nghiệp lữ hành có kết quả kinh doanh tốt hơn, cần có sự hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành trong xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch ra quốc tế, điều này giúp các doanh nghiệp giảm chi phí trong quảng bá hút khách. Các Tổng cục du lịch Thái Lan, Hàn Quốc đang làm rất tốt việc này, họ không chỉ hỗ trợ về chuyên môn, phát triển sản phẩm mà còn một phần kinh phí truyền thông để các doanh nghiệp lữ hành làm hiệu quả.
“Chúng tôi mong được tạo điều kiện thuận lợi hơn, để cùng các doanh nghiệp khác phát triển một nền du lịch văn minh, kiến tạo các giá trị mới cho du lịch Việt Nam. Nếu chỉ số ít doanh nghiệp lữ hành sáng tạo các sản phẩm du lịch chuyên đề như Wondertour sẽ khó có thể tạo sự quan tâm của số đông khách hàng, đặc biệt với sản phẩm mới lạ, giá trị. Chi phí cấu thành dòng tour này thường cao hơn 30 – 100%, chưa gồm chi phí truyền thông đắt đỏ. Để những tour này phủ rộng và đến gần với khách hơn cần có sự vào cuộc của nhiều đơn vị lữ hành cùng truyền thông, dẫn dắt khách hàng đến với những sản phẩm mới”, ông Lê Công Năng nói.
Du lịch Việt Nam năm 2023 đã vượt dốc thành công, sẵn nội lực, nên bước sang năm 2024, ngành công nghiệp không khói được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều đột phá, để Việt Nam tiếp tục là “địa chỉ phải đến” của bạn bè năm châu.