Cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý để ngành du lịch phát triển lành mạnh. |
Ngành kinh tế xanh đang gian nan phục hồi, do phải đương đầu với hàng loạt khó khăn như giá xăng dầu liên tục tăng, xung đột Nga - Ukraine, biến thể phụ BA.5 của Omicron thâm nhập vào Việt Nam, thiếu nhân sự trầm trọng, tâm lý ngại đi du lịch “ngoại biên” của khách quốc tế… Giữa bộn bề khó khăn, các doanh nghiệp du lịch phải không ngừng cắt giảm lợi nhuận, thậm chí phải bù lỗ để kích cầu, tạo lòng tin của du khách. Thế nhưng, những nỗ lực ấy lại đang bị phá hỏng bởi một số kẻ lừa đảo combo du lịch giá siêu rẻ, khiến tâm lý du khách lung lay, thậm chí mất niềm tin.
Ngay từ giữa tháng 4/2022, trên các trang mạng xã hội đã lan truyền thông điệp cảnh giác với những combo, vé máy bay giá rẻ từ chính các nạn nhân. Rúng động nhất là vụ 144 khách mua combo 3,7 triệu đồng đi Phú Quốc (bay Vietnam Airlines, ở khách sạn tại Vinpearl Phú Quốc 3 ngày, 2 đêm), nhưng khi ra sân bay thì bơ vơ vì không có vé. Đánh vào tâm lý ham rẻ, đường dây lừa đảo bán combo du lịch, vé máy bay giá rẻ này đã hình thành nhiều đại lý cấp dưới và hoạt động với thủ đoạn cực kỳ tinh vi, đưa nhiều người, trong đó có cả doanh nghiệp lớn vào bẫy.
Theo CEO Wondertour Lê Công Năng, sau khi cơn đại hồng thủy Covid-19 tác động nặng nề lên ngành kinh tế xanh, có rất nhiều nhân viên hoạt động trong lĩnh vực du lịch làm tại nhà. Họ tự lấy tên doanh nghiệp cũ từng công tác mà doanh nghiệp không biết để hoạt động trái pháp luật. Những đối tượng này chào bán Combo giá rẻ để hấp dẫn khách hàng.
Những Combo giá rẻ đó không có giá trị vì chỉ là mã đặt chỗ, chưa thanh toán thì không có hiệu lực.
Giám đốc AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho hay, những du khách bị lừa rất bức xúc, thậm chí có phản ứng tiêu cực trên mạng xã hội, làm nhiều người hoang mang. Điều này tác động tiêu cực đến quá trình hồi phục du lịch, ảnh hưởng rất nhiều đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng
Khẳng định giá vé máy bay đã có quy định của hãng, do đó ông Đạt khuyên du khách phải tham khảo thông tin qua nhiều kênh để hiểu rõ hơn về sản phẩm, tránh tiền mất, tật mang. Đối với những đối tượng lừa đảo, cần sự tham gia vào cuộc của lực lượng thanh tra du lịch, công an. Số tiền các đối tượng lừa đảo một khách hàng có khi lên đến vài chục triệu đồng, lại lừa nhiều người, nên cần phải xử lý hình sự. Có như vậy các đối tượng này mới bớt lộng hành, mang lại niềm tin cho du khách và những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Cùng với nạn lừa đảo combo du lịch, nạn “chặt chém” thực khách của một số nhà hàng bị “bóc phốt” trên mạng cũng là vấn nạn khiến người làm du lịch chân chính đau đầu.
“Bản thân người Việt còn bị chính đồng bào của mình chặt chém như vậy thì người nước ngoài vào Việt Nam sẽ như thế nào? Không loại trừ khách quốc tế tìm hiểu thông tin du lịch Việt Nam sẽ đặt câu hỏi đó”, ông Lê Công Năng nêu vấn đề và phân tích, hơn 2 năm qua, các nhà hàng, khu du lịch bị lỗ nặng, nên khi du lịch phục hồi, có khách trở lại, họ có tâm lý kinh doanh thời vụ, muốn khai thác lợi nhuận tối đa từ khách hàng. Nhưng làm như vậy sẽ không bền vững, vô hình trung còn tạo ra bức tranh du lịch tổng thể xấu trong mắt bạn bè quốc tế.
Theo CEO Wondertour, để hạn chế tối đa tình trạng lừa đảo, “chặt chém” du khách, phải có sự quản lý chặt chẽ ở tầm vĩ mô. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, UBND các tỉnh, thành phố cần phát động chiến dịch “du lịch văn minh” hoặc “Say hello Viet Nam” chẳng hạn. Các bên, cả cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội, doanh nghiệp cùng ký kết triển khai chiến dịch cũng như cam kết về chất lượng dịch vụ, ổn định giá để xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam đẹp, văn minh.
Chiến dịch này sẽ có website, Fanpage, trên đó, các doanh nghiệp tham gia ký kết được quảng bá logo, sản phẩm, dịch vụ. Đây được coi như cẩm nang để khách du lịch đến Việt Nam tra cứu ăn ở nhà hàng nào tốt, đi vui chơi ở đâu tốt, hãng vận chuyển nào uy tín, qua công ty du lịch nào tốt… Khi làm được điều này, hệ sinh thái du lịch sẽ phát triển lành mạnh.