Hotline 19009335

19 Jan 2022
192,276

Thuyết minh dân tộc Thái

"Con gái Châu Yên không chua không chát, Ngọt ngào như tiếng cười câu hát, Giỏi đánh cồng, ham xoè quạt, Thích gội đầu lá sả tóc như rêu Thích làm nương, đi xúc, dệt, thêu..."

Thuyết minh dân tộc Thái
Nghe đến đây chắc hẳn quý đoàn nhà mình sẽ biết ngày hôm nay quý vị sẽ được tìm hiểu về dân tộc nào rồi đúng không ạ? Dạ vâng đúng rồi ạ, ngày hôm nay em sẽ cùng quý đoàn nhà mình tìm hiểu về dân tộc Thái ạ. Hiện nay những tên gọi các nhóm thuộc dân tộc Thái là Tây, Tây Khao (Thái Trắng), Táy Đàm (Thái Đen), Tày Mười, Tày Thanh (Mán Thanh), Hàng Tông (Tay Mường), Pu Thay, Thổ Đà Bắc. Tiếng nói của dân tộc Thái thuộc hệ ngôn ngữ Thái, nhóm ngôn ngữ Thái phía Tây. Ở Việt Nam, dân tộc Thái có số dân chiếm tới 1.550.423 người.
https://wondertour.vn/wp-content/uploads/2022/01/dan-toc-thai-wondertour-1024x698.jpg
Thưa quý vị, hiện nay dân tộc Thái ở Việt Nam, cư trú tập trung ở các tỉnh miền núi Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng. Tuy nhiên, đó là nơi cư trú hiện nay của họ. Còn việc di cư của người Thái đến Việt Nam còn là một quá trình dài. Nhìn chung, người Thái ở Việt Nam có cùng nguồn gốc với người Thái ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), có hai nhóm Thái và di cư vào Việt Nam qua những con đường khác nhau.
Đối với tên gọi là Thái Trắng (Bạch Y Man), thì họ xuất hiện lần đầu tiên trong sử sách từ thời Đường. Nguồn gốc lịch sử của người Thái Trắng được minh chứng rõ thêm qua truyền thuyết và thư tịch cổ của người Thái, sưu tầm được trong cộng đồng Thái ở Tây Bắc nước ta. Có một truyền thuyết kể rằng, quê hương xa xưa của họ là miền có chín con sông gặp nhau. Chín con sông đó là: Nậm Tao (sông Hồng), Nậm Ta (sông Đà), Nậm Ma (sông Mā), Nậm Công (Mê kông), Nậm U, Nậm Nua, Nậm Na và hai con sông nữa ở bên Trung Quốc chưa xác định được. Sông Nậm Nua chảy qua Điện Biên, đổ vào Nậm U ở Thượng Lào (một chi lưu của sông Mê Kông, sông Nậm Na chảy từ Vân Nam và đổ vào sông Đà ở Mường Lay (tỉnh Lai Châu). Nhưng phải đến đầu thiên niên kỷ II sau Công nguyên, người Thái Trắng mới chiếm được ưu thế ở dọc hữu ngạn sông Hồng và tỉnh Lai Châu. Họ đến vùng này trước người Thái Đen, vì khi hành quân sang miền Tây, Lạn Chượng đã gặp các tù trưởng Thái Trắng trên đường hành quân.
[block id="tu-van-tour"]
Nhắc đến dân tộc Thái, quý đoàn sẽ không thể quên khi được biết về truyền thuyết đàn tính tẩu gắn liền với dân tộc Thái. Với đồng bào Thái, tính tẩu không chỉ là một nhạc cụ gắn với cuộc sống sinh hoạt, mà còn là một biểu tượng văn hóa. Tính tẩu là nhạc cụ không thể thiếu trong những đêm xòe, những ngày hội của người Thái hay trong các nghi lễ của các ông mùn.
Về sự đàn tính tẩu của dân tộc Thái thì trong tiếng Thái, "tính" có nghĩa là đàn, còn "tẩu" là quả bầu. Đây là nhạc cụ phổ biến không chỉ của người Thái mà còn của một số dân tộc vùng Tây Bắc, như Tày, Nùng... Nhưng, tính tẩu của người Thái có đặc trưng riêng, cả về cấu tạo lẫn âm thanh.
Thưa quý vị người Thái sử dụng tính tẩu trong những hội xòe, những đêm hát giao duyên... Trong các nghi lễ, tiếng đàn đệm cho lời cúng của các thầy mo. Khi ấy, cây đàn trở thành vật thiêng.
Ngay bây giờ em sẽ cùng quý vị bắt đầu vào sự tích của cây đàn tính tẩu của dân tộc Thái. Chuyện kể rằng, ngày xưa có một chàng trai Thái nghèo tình cờ nghe được tiếng đàn lạ từ những nàng tiên nhà trời. Âm thanh được phát ra từ một vật giống như quả bầu, có căng một sợi dây, do chính tay những nàng tiên chơi. Vì say mê âm điệu của tiếng đàn lạ kỳ kia, chàng trai về cũng dùng một quả bầu, lấy tơ tằm để làm dây, bắt chước theo cây đàn của các tiên nữ. Quả nhiên, cây đàn phát ra âm thanh rất hay. Từ đó, người Thái gọi là tính tẩu, có nghĩa là "đàn bầu".
https://wondertour.vn/wp-content/uploads/2022/01/dan-tinh-tau-wondertour-1024x520.jpg
Thưa quý vị, ngoài câu chuyện này, bà con đồng bào Thái còn truyền tai nhau một sự tích khác, giải thích rõ sự khác biệt giữa cây đàn bầu của người Thái và các dân tộc xung quanh. Phó GS-TS Vương Toàn kể: “Cây đàn này rất mê hồn. Nó làm say lòng người quá vì nó có đến 12 dây. Say người đến mức người ta bỏ cả việc cho nên trời bắt cắt đứt dây dần. Hiện tại cây đàn của người Tày, Nùng chỉ có 3 dây, còn người Thái có 2 dây. Người Thái kể chuyện rằng trước họ cũng có 3 dây, nhưng họ đã tặng người Kinh một dây, nên đàn bầu của người Kinh chỉ có một dây, người Thái còn lại hai dây”.
Thưa quý vị để người Thái có thể làm ra một cây đàn tính phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp như là chọn bầu, làm cần, mặt đàn và chọn dây đàn. Công đoạn chọn bầu đàn là quan trọng nhất, bởi bầu đàn quyết định âm thanh và độ trầm bổng của đàn. Ngoài việc làm bầu đàn bằng quả bầu già, khô thì người Thái còn có thể làm bằng đồng thau. Nhưng dù làm bằng chất liệu gì thì điều quan trọng là phải đảm bảo tiếng đàn được vang. Kích cỡ quả bầu có thể thay đổi song đường kính thường là 15-20cm. Để có độ vang âm sắc chuẩn, người ta thường chọn quả bầu tròn, thường là gầy đều để đảm bảo tiếng vang. Cần đàn thường được làm bằng những loại gỗ dẻo, được gọt đẽo công phu. Theo nghệ nhân thì phải chọn gỗ tốt, ít mối mọt, và đặc biệt phải lưu ý thời gian chặt gỗ làm cần đàn. Để làm cần đàn thì dùng cây thông đất, cây mỡ, cây xoan hoặc là cây ba gạc là tốt nhất, nhưng phải chặt ngày cuối tháng thì mới không có mọt khoét.
Bên cạnh đó, quý vị có thể thấy nghệ nhân phải lựa chọn những cây gỗ già, mịn, ít vân, ít mắt thì cần đàn mới có độ bền cao, đàn dùng lâu mà cần không bị cong vênh. Thường thì độ dài của cần đàn phụ thuộc vào chính người chơi đàn, theo độ dài ngắn của sải tay, khoảng chừng 5 đấm tay của người chơi đàn. Theo kinh nghiệm dân gian thì số đo đó thích hợp với cỡ giọng hát của người chơi đàn. Tính tẩu thuộc bộ dây, âm vực có thể đạt đến 3 quãng 8, nhưng những người diễn chỉ dùng ngưỡng ở 2 quãng 8 và một vài âm lân cận.
[block id="tu-van-tour"]
Thưa quý vị, bây giờ quý đoàn nhà mình tìm hiểu đến công đoạn chọn gỗ làm mặt đàn thì người nghệ nhân làm mặt đàn thì phải chọn gỗ mềm, có độ dày phù hợp để tạo tiếng vang. Mặt đàn đồng thời là nơi thoát âm, nên nghệ nhân ngoài việc chọn gỗ tốt thì khi khoan lỗ thoát âm cũng cần có những kinh nghiệm phù hợp. Mặt đàn thường làm bằng gỗ cây ngô đồng được xẻ mỏng khoảng 3 mm, trên mặt đàn có khoét hai lỗ hình hoa thị để thoát âm. Trước kia, hai lỗ hoa thị người ta khoét sau bầu đàn.
Ở phần đầu đàn, các nghệ nhân thường chạm trổ, đục đẽo các hình thù đầy ấn tượng như là rồng, phượng... Theo nghệ nhân điển hình nhất vẫn là hình móc câu. Cái móc câu thể hiện tính thẩm mỹ của cây đàn. Cuối cùng quý đoàn nhà mình sẽ được tìm hiểu về công đoạn lắp dây đàn. Đàn tính tẩu truyền thống có 3 dây. Có hai con dây làm bằng dây cước, trước thì làm bằng dây tơ, tơ phải là tơ mịn, tơ cuối, lấy  từ tơ tằm ra, thậm chí có cả tơ lụa lấy sợi càng nhỏ càng tốt sau đó mới se lại. Tính tẩu có âm sắc êm dịu, thanh thoát, khi thì cao vút, khi thâm trầm. Khi sử dụng, người ta có thể dùng một đoạn tre hoặc ngón trỏ của tay phải để gẩy đàn. Thưa quý vị, người làm đàn giỏi không chỉ có đôi tay khéo léo mà còn phải có khả năng cảm thụ âm nhạc, có kinh nghiệm chơi đàn, nếu không, cây đàn sẽ chỉ cho những âm thanh vô hồn.
Tiếp theo đoàn nhà mình sẽ được tìm hiểu và trải nghiệm về các lễ hội của dân tộc Thái như là: lễ hội cầu mưa, lễ hội Gội đầu, lễ hội Hạn Khuống, lễ hội hoa ban, lễ hội Kin Pang Then, lễ hội xang khan, lễ hội xên bản, xên mường.
Đầu tiên đoàn nhà mình có thể cùng em tìm hiểu về lễ hội cầu mưa đang được xem là một văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của người Thái trắng ở Sơn La. Hiện nay cộng đồng dân tộc Thái xã Mường Sang thuộc ngành Thái trắng, họ sống quần cư bên những dòng suối và thung lũng ven đồi, núi. Người Thái ở đây, canh tác nông nghiệp chủ yếu dựa vào thiên nhiên, với quan niệm vạn vật hữu linh và tin rằng mọi hoạt động trong đời sống hàng ngày đều do một lực lượng siêu nhiên chi phối, đó là các vị thần linh. Một trong các vị thần đó là thần mưa. Do vậy, cứ vào dịp rằm tháng hai âm lịch hàng năm, người Thái tại Mường Sang lại tổ chức lễ hội cầu mưa. Đây là thời điểm bắt đầu cho mùa màng của năm mới, để cầu cho dân bản được một năm bội thu, đồng thời giáo dục các thế hệ con cháu biết bảo vệ và tôn trọng môi trường sống.
Thưa quý vị, khi quý vị bắt đầu một lễ hội thì đều thường có 2 phần. Ở lễ hội cầu mưa cũng vậy, cũng gồm hai phần lễ và hội. Trong đó ở phần lễ, ngay từ sáng sớm, thầy cúng dẫn một bà góa trong bản quẩy đôi gánh buộc những ống bương đựng nước đi tới từng nhà gọi chị em phụ nữ cùng ra mó nước. Sở dĩ phải là bà góa, bởi câu chuyện ban đầu xuất phát từ việc khô hạn, mọi người muốn làm lễ cầu mưa nhưng lại e ngại, sợ ông trời nổi giận sẽ phạt. Khi đó, một bà góa đã tình nguyện đứng ra làm người hy sinh, cùng thầy mo đi cầu mưa. Bà nói rằng, nếu ông trời phạt, bắt phải chết thì chỉ mong dân bản hãy làm lễ cúng cho bà hàng năm. Bà góa cùng các chị em trong bản thường là những người đã có gia đình và ở tuổi trung niên ra mó nước cúng thổ địa và thần linh ở mó nước. Cúng xong, đoàn xin một ít nước mang về nơi diễn ra buổi lễ.
Tiếp đến khi đoàn lấy nước trở về, một người đại diện cho ông then ngồi phía trên, hướng mặt về phía lễ vật. Đồ cúng gồm măng đắng, chuối xanh, cơm lam, cá xông khói, bánh trưng, bánh ít uôi, gạo nếp, gà luộc… Thầy mo ngồi phía dưới, cùng với những người vừa lấy nước về, dân bản ngồi xung quanh phía sau. Nước lấy về được dựng quanh cây vạn vật. Thầy mo đọc bài cúng kể cho ông then biết nỗi khổ của dân làng khi không có mưa. Sau khi kết thúc bài cúng, ông then tuyên bố ban nước cho dân và cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau đó, ông then bưng chậu nước đi vòng quanh, vừa đi vừa vẩy nước vào những người dự lễ.
Thưa quý vị, để diễn ra lễ cầu mưa, người dân địa phương đã phải tới địa điểm tổ chức dựng một cây vạn vật (còn gọi là cây vũ trụ) gồm có con chim, con ve được đan bằng nan để mang lời khấn của dân bản tới ông then (ông trời). Cùng với đó là những cái lồng nhỏ bên trong đặt trứng gà, vỏ ốc, vỏ trai… tượng trưng cho sự khô hạn, thiếu nước đến mức các loài vật sống dưới nước cũng chết. Cây vạn vật thể hiện sự khó khăn của cuộc sống do thiếu nước và thời tiết không thuận lợi. Ngoài ra, người dân trong bản tổ chức dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm với thông điệp gửi đến ông then rằng họ đã sống tốt và biết bảo vệ những gì ông then ban tặng. Sau phần lễ, người dân địa phương và du khách đã cùng nhau hòa mình trong tiếng trống, tiếng chiêng múa hát và chơi các trò chơi gian dân truyền thống của người Thái.
Lễ hội tiếp theo mà quý đoàn nhà mình được tìm hiểu đó chính là lễ hội Gội đầu của người Thái trắng ở Quỳnh Nhai. Với một tên gọi khác của lễ hội Gội đầu, người dân tộc Thái còn gọi là “Lung Ta” là lễ hội có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của bà con người Thái Trắng nói chung và người Thái trắng Quỳnh Nhai nói riêng. Lễ hội thể hiện tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, mang tính nhân văn sâu sắc, thân thiện của con người với tự nhiên.
[block id="tu-van-tour"]
Thưa toàn thể quý vị, trong quan niệm của người Thái Trắng, khi hết một năm cũ, chuẩn bị bước vào năm mới, mọi người trong thôn bản đều phải gội đầu để rửa trôi những cái vất vả, bệnh tật, điều không may mắn, xui xẻo của năm cũ, tống tiễn tai ương, bệnh tật xuôi theo dòng nước (dòng suối) đi mãi không lặp lại đồng thời cầu mong năm mới tốt lành, gặp điều hay, làm ăn phát đạt.
Thời điểm thích hợp để đồng bào Thái tổ chức lễ hội Gội đầu đó là vào buổi trưa ngày 30 Tết (ngày cuối của năm cũ). Người Thái Trắng cho rằng cứ hết chiều 30 Tết là bước sang năm mới, vì thế trước khi làm nghi lễ cúng Tết, ở nhà mọi người đều phải ra sông, ra suối tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới thì mới được làm lễ.
Thưa quý vị, không phải điều gì cũng tự nhiên mà có, lễ hội Gội đầu này của người Thái có nguồn gốc bắt nguồn từ truyền thuyết về nữ tướng Nàng Han - người có công dẹp giặc phương Bắc. Truyền thuyết kể rằng Nàng Han là một người con gái đóng giả trai để tập hợp binh mã, cầm quân đánh đuổi giặc ngoại xâm, đoàn quân của nữ tướng đuổi giặc ra khỏi bờ cõi nước ta thuộc huyện Phong thổ, tỉnh Lai Châu bây giờ thì đánh tan quân giặc. Sau khi đánh thắng giặc trở về, đúng vào ngày 30 Tết âm lịch, buổi chiểu hôm đó, Nàng Han ra lệnh cho quân sĩ dừng lại bên bờ suối nghỉ ngơi, tắm gội, ăn mừng chiến thắng và đón chào năm mới. Kể từ đó để tưởng nhớ đến nữ tướng Nàng Han, cứ chiều 30 Tết, bà con dân tộc Thái trắng lại tổ chức lễ gội đầu để cúng mừng năm mới.
https://wondertour.vn/wp-content/uploads/2022/01/le-hoi-goi-dau-wondertour-2-1024x767.jpg
 
Và để lễ Gội đầu diễn ra tốt đẹp thì trước đó hàng tuần, người con gái Thái đã vo gạo nếp để lấy nước, nước gạo được để trong chum hoặc nồi cất giữ cả tuần hoặc lâu hơn, để càng chua càng tốt. Đôi lúc, nước gội đầu là những hương liệu dầu quả bồ kết pha lẫn nước vo gạo, cánh hoa rừng. Đó là nước gội dành cho đàn bà, con gái. Có thể những người khác không biết đến sẽ cho rằng đây là một điều kỳ quặc, kinh tởm khi loại nước vo gạo để hàng tuần lên men, bốc mùi chua lại cho lên đầu để gội, nhưng mấy ai biết được rằng chính loại nước này lại là một bí kíp để giúp cho mái tóc người con gái Thái đen dài, mượt mà, óng ả mà không chút gầu dính đầu. Còn nước tắm của người con gái thường là nước thơm của cây mùi già. Đàn ông thì nước gội thường là bồ kết, người ta nướng bồ kết rồi bẻ ra ngâm vào nước đun sôi. Mọi người đều mặc áo váy đen, phụ nữ bên trong mặc áo áo ngắn theo tiếng Thái còn gọi là “sửa nọi”, bên ngoài khoác áo dài Thái gọi là “sửa luông”, “sửa luông” được thiết kế theo phong cách riêng của người Thái, chủ yếu làm từ vải đen, 2 bên vai có 2 dải màu buông xuống trước ngực trông rất điệu đà. Ngày nay, theo sự phát triển của thị trường, thì “Sửa luông” cũng được may cải tiến, thắt đáy ở eo lưng, không thẳng vạt như áo cổ xưa. Đàn ông thì mặc giản dị hơn, áo mới vải đen, đầu cuốn khăn màu tối.
Công việc của thầy mo chuẩn bị bao kiếm của tổ tiên, vai vác theo sung kíp và 1 chiếc túi nhỏ có trang trí hoa văn bằng chỉ ngũ sắc, tiếng Thái gọi là “thung xanh”, trong túi đựng bảo bối mà ông cha để lại, gọi là bảo bối nhưng thực chất chủ yếu là những đồ vật như: móng vuốt hổ, vuốt gấu, đoạn sừng tê giác, châu ngọc hoặc của hồi môn như nhẫn vàng và bạc. Cách thức tổ chức lễ Gội đầu gồm các hoạt động như: trước khi đi ra bờ sông, bờ suối để gội đầu, người đứng đầu bản hoặc thầy mo sẽ thắp hương trước bàn thờ tổ tiên để mời họ đi gội đầu cùng con cháu trước khi đón năm mới. Thầy mo hoặc trưởng bản là người đi đầu đoàn, theo sau là dân bản, những nam thanh nữ tú khiêng trống chiêng vừa đi vừa đánh, trống đánh nhịp 3 và đệm 1 nhịp chiêng. Đoàn người làm lễ gội đầu lặng lẽ theo hàng một đi ra bờ sông như một đám rước, họ rước theo báng nước gội, tay cầm 1 cành lá dùng trong nghi thức gội đầu. Đến bờ sông, đàn ông và các bé trai đi ngược lên thượng nguồn chừng dăm chục mét, đàn bà và các bé gái ở phía dưới dòng, lúc này người chủ lễ mới hát lên lời khấn thần linh, đại ý lời khấn như sau:

“Năm hết tết đến, tết đến tiễn cái cũ đi, cái tốt thì ta mang về

Cầu cho năm mới làm ăn phát đạt

Cái xấu, cái cũ hãy đi xa, đi xa mãi, đừng bao giờ quay về nữa

Cái mới cho mọi người thêm nhiều may mắn.”

Sau lời hát tiễn đưa, nếu như trước đây chủ lễ giương súng chĩa lên trời nổ phát đạn làm hiệu lệnh để bắt đầu vào gội đầu, nhưng do bây giờ không được sử dụng súng nữa nên thao tác này không được thực hiện. Ông chủ lễ khấn xong lời khấn thần linh là mọi người gội đầu. Phụ nữ cởi áo yếm từ từ bước xuống dòng sông, nước ngập đến đâu thì vén váy đến đó. Họ từ từ cúi đầu, xõa tóc xuống dòng sông, tay cầm cành lá xanh nhúng xuống nước rồi đập nhẹ lên tóc nhiều lần cho ướt đẫm. Hành động này được cho là xua đi những gì không may mắn trong năm cũ và giờ đây không còn bận long gì thêm nữa. Sau đó họ vứt cành lá xuôi theo dòng nước chảy đi, những bát nước vo gạo đã được ngâm cho chua được xối từ từ gợi lên mọi điều tốt đẹp cho ngày mai bước vào năm mới thật tinh khôi. Việc sau cùng diễn ra bên dòng sông là giặt giũ tất cả quần áo, váy cho sạch sẽ trước khi ra về để hoàn tất lễ gội đầu tất niên. Hình ảnh người con gái Thái từ từ bước xuống dòng nước, cúi đầu xõa tóc tạo nên một nét đẹp mộc mạc, trong sáng, hồn nhiên trước cảnh thiên nhiên sông nước, phẳng lặng, một vẻ đẹp chân chất, trong sáng đến mức thánh thiện.
[block id="tu-van-tour"]
Nối tiếp với lễ hội Gội đầu là lễ hội hoa ban hay còn gọi là lễ hội Xên Mường được người Thái ở Tây Bắc tổ chức vào dịp tháng 2 âm lịch, khi hoa ban bắt đầu nở trắng cả núi rừng Tây Bắc.  Lễ hội thể hiện tấm lòng tôn kính tri ân của nhân dân tưởng nhớ công lao to lớn của các vị nhân thần tiền bối và cầu cho quốc thái, dân an, bản mường no ấm, quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc…
Thưa quý vị, lễ hội Hoa Ban thể hiện nét văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái với tâm nguyện thỉnh bái “Then” – vị thần tối cao trong hàng ngũ thánh thần theo quan niệm của người Thái, thỉnh bái “nàng Ban” – một nữ nhân vật huyền thoại biểu thị cho sự trinh trắng của người thiếu nữ Thái và tình yêu đôi lứa thuỷ chung, thỉnh bái ma trời, ma mường, ma núi, ma sông… phù hộ cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, vạn vật đơm hoa, kết trái, cho lứa đôi hạnh phúc và phù hộ cho cuộc sống của dân bản luôn đầm ấm, yên vui.
Đối với người Thái thì lễ hội hoa Ban là ngày vui của họ hàng, của bản, mường và là dịp cho trai gái gặp gỡ, hò hẹn nhau. Vào ngày 5/2 âm lịch hàng năm lễ hội hoa Ban được tổ chức. Nếu như lễ hội Xên bản (2 năm/ lần) chỉ diễn ra trong phạm vi của bản, mục đích là "cầu thần phù hộ” và cúng "rửa lá, xua đuổi thần trùng”, ít tổ chức các trò vui, thì lễ hội Xên mường (3 năm/ lần) lại được tổ chức rất to, thu hút nhiều người tài giỏi của toàn mường tham gia. Lễ hội thường được tổ chức ở hang Thẳm Lé gắn với làn điệu khắp chơi hang. Lễ hội gồm 2 phần lễ và hội, phần lễ để cúng thần linh, phần hội để tạo nên những tiếng cười thoải mái nhằm giáo dục con người vươn tới cái tốt đẹp. Toàn bộ phần nghi lễ được thực hiện ở ngoài cửa hang, sau đó thầy mo vái “Then” xin mở cửa hang thì phần hội lúc đó mới được diễn ra cả bên trong và bên ngoài cửa hang.
Và tất nhiên là sau khi kết thúc phần lễ, bà con dân bản sẽ tiếp tục phần hội với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như: ném còn, kéo co, đi cà kheo, leo cây, chọi cù, hát đối đáp… Những trò chơi độc đáo đầy ắp tiếng cười hòa lẫn trong âm vang nhộn nhịp của tiếng khắp, tiếng pí, tiếng khèn, tiếng trống chiêng. Các chàng trai vừa khắp vừa giúp các cô gái hái những bông hoa trắng muốt đem về nhà.
Quý vị khi đến với lễ hội Hoa Ban, sẽ được hòa mình trong không khí nhộn nhịp giữa tiết trời của mùa xuân vùng cao, cùng say đắm trong tiếng pí, tiếng khèn, câu khắp và rộn ràng trong những vòng xòe nồng say lại càng thêm yêu mảnh đất, yêu con người nơi xứ Mường, để rồi khi chia tay miền nơi này trong lòng lại lưu luyến không muốn rời xa.
Thưa quý vị, Một lễ hội được xem là nơi hội tụ văn hóa đặc sắc của người Thái trắng Lai Châu. Quý vị có đoàn ra điều em nói là đang muốn nhắc đến lễ hội nào không ạ? Dạ vâng đó chính là lễ hội Then Kin Pang của người Thái trắng ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu được tổ chức vào ngày mùng 9, mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Đây là một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của người dân bản địa, nhằm tri ân Then (thần trên trời) đã ban cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Dạ vâng, thưa quý vị thì ngay từ sáng sớm ngày 10/3 âm lịch, hàng nghìn người dân đã kéo về khu đền thờ Then tại xã Khổng Lào để dâng hương.
Theo người già ở Khổng Lào - Mường So kể lại, tương truyền Pô Phà (vua trời) có lòng độ lượng bao la. Khi nhân gian gặp nạn, Pô Phà đã phái thần Then xuống hạ giới đầu thai thành người phàm trần để cứu nhân độ thế. Từ đó, bản làng có ai ốm đau, gặp rủi ro, vận hạn đều được Then cầu phúc cho tai qua nạn khỏi. Người dân xã Khổng Lào cho biết: trong phần lễ của lễ hội Then Kin Pang, người đại diện cho bà con dân bản sẽ cầu nguyện các vị thần linh trên trời tạo phúc cho dân, ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản mường yên vui no ấm; nhân dân các bản thì mang những sản vật ngon nhất làm thành các mâm để dâng lên, mời Then và các vị thần linh về thụ hưởng.
Thưa quý vị lễ hội Then Kin Pang rất có ý nghĩa với đồng bào Thái. Cứ đến 10/3 hàng năm là các cụ cầu cho Then xuống để phù hộ cho bà con, cho dân lành có mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa. Đồng thời là dịp để con cháu ở trần gian cúng lễ, tạ ơn thần linh.
Quý vị có thể thấy đây là một hoạt động tâm linh diễn xướng mang đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái trắng Lai Châu có phải không ạ? Dạ vâng, lễ hội Then Kin Pang năm 2021 được đồng bào Thái trắng vùng Khổng Lào - Mường So tổ chức làm hai phần chính. Ngoài phần dâng lễ đó là phần hội với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi. Người dân và du khách thập phương còn được thưởng ngoạn các phần thi như: văn nghệ, trình diễn trang phục dân tộc, tổ chức không gian văn hóa, ẩm thực và thi đấu các môn thể thao, trò chơi dân gian như: đẩy gậy, kéo co, tung còn, én cáy, tó má lẹ, té nước...
[block id="tu-van-tour"]
Khi quý vị đến đây thì ngoài việc thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, cầu nguyện một năm may mắn, cuộc sống an lành, hạnh phúc, tại lễ hội, người dân thì quý đoàn nhà mình còn được gặp gỡ, giao lưu và  thưởng thức diễn xướng văn hóa đặc sắc thông qua các bài hát, điệu múa dân gian dân tộc Thái ở Lai Châu - Tây Bắc.
Vì vậy, lễ hội Then Kin Pang đang được xem là nơi vun đắp khối đoàn kết dân tộc, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tạo bầu không khí vui tươi, lành mạnh, góp phần vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây còn là dịp quảng bá hình ảnh về văn hóa, miền đất, con người Phong Thổ nói riêng, Lai Châu - Tây Bắc nói chung đến du khách thập phương, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái và các dân tộc Tây Bắc, xây dựng tình đoàn kết gắn bó giữa các bản làng, dân tộc.
Kính mời toàn thể quý vị nhà mình đến với đặc sắc lễ hội Hạn Khuống của người Thái đen. Đồng bào Thái đen ở Than Uyên từ xưa đã tồn tại một hình thức lễ hội Hạn Khuống hết sức độc đáo, đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian. Hạn Khuống là nơi vui chơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ, là nơi để mọi người thỏa sức sáng tạo, trổ tài, đồng thời, là nơi để các tràng trai, cô gái trao đổi tâm tình, yêu nhau để rồi kết tóc, se duyên, xây dựng gia đình hạnh phúc.
https://wondertour.vn/wp-content/uploads/2022/01/1.1-300x204.jpg
Một tiết mục rất đặc biệt của người Thái đen trong lễ hội đó chính là phần hát đối đáp của trai gái Thái đen.
Theo em được tìm hiểu thì một nghệ nhân dân tộc Thái huyện Than Uyên cho biết: Hàng năm, vào tháng 8 - 9 âm lịch, khi mùa màng đã thu hái xong, cây bông nở hoa, con tằm cho tơ thì các chàng trai, cô gái Thái đen gọi nhau bàn bạc làm Hạn Khuống. Hạn Khuống nghĩa đen tiếng Thái là “sàn sân” tức là một cái sàn dựng ở ngoài sân. Cái sàn này có hình vuông hoặc hình chữ nhật cao từ 1 - 1,5 mét, mặt sàn có diện tích từ 16 - 24 mét vuông và sàn lát bằng dát tre hoặc phên nứa, xung quanh thưng bằng chấn song đan hình mắt cáo.
Thưa quý vị trên sàn Hạn Khuống có đặt một bếp lửa ở vị trí trung tâm và có 5 cây tre hoặc hóp thẳng, dóc sạch cành, chỉ để lại ít lá trên ngọn gọi là lắc xáy, nhìn giống như cây nêu ngày tết của người Việt. Trong 5 cây có một cây cao hơn, to và đẹp nhất gọi là cây lắc xáy cốc do cô tổn khuống cốc làm chủ được dựng ở vị trí trung tâm, sát với bếp lửa, tượng trưng cho trụ của đất trời. 4 cây còn lại dựng ở bốn góc sàn do các cô sao tổn khuống làm chủ tượng trưng cho bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Trai gái cùng tâm sự, giao duyên trong lễ hội là nét đẹp văn hóa của đồng bào Thái ở huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Khi sàn Hạn Khuống được dựng xong, đồng bào Thái đen lại chuẩn bị các lễ vật như hoa, quả, thịt lợn, gà, rượu... để cúng thần linh, thổ công, thổ địa và các ma phù hộ cho sinh hoạt Hạn Khuống được thuận lợi, bình an, tốt đẹp. Sau khi chuẩn bị xong lễ vật, ông mo, già làng, trưởng bản, được các thanh niên mời lên làm các thủ tục cho một Hạn Khuống cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con cháu hòa thuận và sinh sôi nảy nở.
Ngay sau khi phần nghi lễ được thực hiện xong, vị già làng, trưởng bản sẽ dặn dò các thanh niên đến chơi Hạn Khuống cần giữ gìn phong tục tốt đẹp của dân tộc. Thanh niên trai gái đến Hạn Khuống không được nói tục, chửi bậy, người say rượu hay nói xằng bậy không được lên chơi Hạn Khuống, trai đã có vợ không được chơi khuya vì vợ chồng bất hòa, gia đình không được hạnh phúc, bản làng không yên vui.
Nối tiếp sau phần lễ cúng, ngọn lửa Hạn Khuống cháy sáng rực, cây lắc xáy lung linh nhiều màu sắc, đêm hội chính thức được bắt đầu. Số lượng trai gái tham gia Hạn Khuống không giới hạn, ngoài con trai trong bản thì còn có thanh niên về chơi cùng. Đến Hạn Khuống, con trai muốn lên chơi phải hát xin thang, hai bên hát đối đáp khi nào sao tổn khuống cho lên và đặt thang thì mới được lên. Trai hát xin thang:

“Chúng tôi từ xa nhìn thấy lửa

Nhìn thấy lửa muốn được chơi áo

Ở xa nhìn thấy nước

Nhìn thấy áo chàm đen mong được ướm thử

Nhìn thấy người má hồng lòng muốn được hỏi thăm

Nhìn thấy rồi mắt càng muốn liếc

Nhìn thấy hạn khuống rực rỡ anh muốn lên chơi”.

Thưa quý vị khi đã được lên sàn thì cuộc vui văn nghệ bắt đầu và diễn ra đến tàn đêm. Lúc này, nhiệm vụ của các chàng trai là phải hát thể hiện tài năng của mình để xin được ghế ngồi, xin điếu hút thuốc, xin nước để uống. Việc cho ghế hay không cho ghế, cho điếu hay không cho điếu của các cô gái cũng thể hiện bằng những lời hát thể hiện sự dịu dàng, khéo léo của mình trước các chàng trai. Họ cứ hát như thế để thử thách nhau cho đến khi bên gái chấp nhận cho mượn ghế ngồi, mượn điếu hút và cho nước để uống thì các chàng trai mới tìm đến người con gái mà mình thích. Từng cặp nam nữ ngồi sát bên nhau, thể hiện tâm tư, tình cảm, tìm hiểu nhau qua lời hát, qua tiếng đàn, tiếng sáo, qua tài năng lao động như thêu thùa, dệt vải, quay tơ, đan chài lưới, đan các vật dụng từ tre, nứa trong gia đình… Khung cảnh đó gợi cho người xem ý tưởng về một gia đình ấm êm, tràn đầy hạnh phúc trong tương lai của các đôi trai gái. Đêm càng về khuya, Hạn Khuống càng bịn rịn, tình tứ, thế nhưng cũng đến lúc phải chia tay. Họ trao nhau những lời hát chia tay về nghỉ và không quên dặn dò mùa sau gặp lại, hứa hẹn những ngày Hạn Khuống ý nghĩa hơn. Những đôi trai gái nào phải lòng nhau thì hẹn hò, tìm hiểu để đi đến hôn nhân kết tóc se tơ hạnh phúc.
Chắc hẳn quý vị cũng thấy nghệ thuật trình diễn dân gian Hạn Khuống có vị trí quan trọng trong văn hóa cộng đồng người Thái. Thông qua sân chơi Hạn Khuống cho thấy được phần nào đặc điểm trong cư trú, đời sống sinh hoạt, sản xuất, cách ứng xử của tộc người Thái đen. Các chàng trai, cô gái trao đổi tâm tư, tình cảm, yêu nhau để rồi kết tóc se duyên tiên tới xây dựng gia đình hạnh phúc.
Lễ hội tiếp theo mà em muốn giới thiệu đến với quý đoàn nhà mình đó là lễ hội xên bản, xên mương người Thái. Lễ hội này được diễn ra vào mùa hoa ban nở là hội cầu mùa, cầu phúc của người Thái. Họ gửi gắm vào đó những ước vọng lớn lao về một cuộc sống bình yên, no ấm nơi bản Mường, đồng thời cũng là dịp thi tài, vui chơi, trai gái tìm hiểu, tâm tình qua tiếng hát, tiếng đàn. Lễ hội Xên bản, Xên Mư¬ờng của ngư¬ời Thái Mai Châu là một sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng rất quan trọng đối với cộng đồng. Cầu mong thần Nước phù hộ cho mưa thuận gió hoà, mùa màng sinh sôi, tươi tốt, sức khoẻ dồi dào, bản làng yên vui. Và cũng để tạ ơn thần linh đã cho dân Bản mùa màng bội thu, đem sự no ấm đến cho bản làng, cho cộng đồng, cho mọi người dân.
Thưa quý vị thì lễ hội Xên bản, Xên Mường là lễ hội văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Thái Mai Châu. Là nơi hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đồng thời tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, tạo không khí tươi vui phấn khởi để bước vào năm mới.
[block id="tu-van-tour"]
Theo em được biết thì trong ngay buổi sớm hôm mở hội đám rước được khởi hành từ nhà trưởng bản ra khu tổ chức lễ. Đi đầu là Trưởng Bản cùng các chức sắc trong Bản, tiếp theo sau là đội cờ, dàn chiêng trống, khèn, sáo, dàn cồng chiêng. Tiếp đến là đoàn các bô lão cao tuổi trong bản vác theo cung, nỏ và dắt theo hai con trâu mộng to béo. Bộ sừng trâu bọc lượt giấy lấp lánh. Giữa trán trâu và hai bên mông của con trâu được dán hình hoa ban được cắt từ giấy trắng to bằng miệng bát ăn cơm, hai con trâu này một con để cúng thần hoàng (phi sữa), một con để cúng thần tổ ở đình gốc. Đám rước dừng lại trước án thư đình một vị đẳm goá (vị mo luông có uy tín) mặc áo thụng xanh, đầu đội mũ đuôi én màu đỏ tiến lên trước án thư. Ông đẳm rung một hồi chuông, hai con trâu mộng lập tức được dắt ra làm thịt. Theo sau các bô lão là đoàn quân bảo vệ bản, mường“lính tráng” vai vác súng hoả mai bọc bạc, cùng gươm giáo sáng loè đi hàng ba trông oai nghiêm dõng dạc. Đi sau cùng là dân làng và du khách thập phương tham dự lễ hội.
Thời gian mà phần lễ được kéo dài là trong một buổi sáng, buổi chiều dân làng tổ chức phần hội với nhiều hoạt động vui chơi thu hút đông đảo người dân tham gia. Trong đó có phần thi bắn súng cúng khá độc đáo, hình thức thi bắn súng là người ta tung quả bưởi lên mái nhà, quả bưởi lăn xuống theo mí dốc, các tay súng thiện xạ lần lượt ngắm, đón, bắn. Người thắng là người bắn cả ba lần đều trúng, sẽ đoạt được giải của “cần han” (người tài giỏi), được thưởng một mâm cỗ đầy xôi thịt gọi là “pàn han”. Tạo mường đứng ra trao thưởng cho người “cần han” một thanh kiếm chuôi ngà voi khảm bạc, tuyên bố phong chức “tuần mường” (người đứng đầu an ninh phòng vệ) cùng một số ruộng đất. Ngoài ra còn nhiều trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc như: đánh trống chiêng, chơi cù quay, ném còn, tò lẻ, thi hát đối đáp, thổi khèn, thổi sáo… Những trò chơi này đã gắn bó với người Thái từ thủa nhỏ nên nó đã trở thành một nét đặc sắc trong văn hoá của cộng đồng dân tộc này.
Lễ hội cuối cùng trong phần này mà em muốn quý đoàn nhà mình được biết đến đó chính là lễ hội Xăng Khan của đồng bào Thái. Dạ thưa toàn thể quý vị thì từ rất xa xưa, tất cả các bản làng người Thái đều tổ chức lễ hội Xăng Khan, có thể nói đây là ngày hội có quy mô và ý nghĩa cộng đồng lớn nhất của đồng bào. Mỗi địa phương có thể gọi tên hội khác nhau, đồng bào Thái ở Nghệ An và Thanh Hóa gọi lễ hội này là Xăng Khan, một số nơi khác gọi là Kin chiêng boóc mạy, Hội Chá Chiêng... Nhưng dù gọi thế nào đi chăng nữa, mục đích và ý nghĩa của nó vẫn là ngày tạ ơn các ông mo đối với tổ tiên và những người thầy đã dạy cách bốc thuốc chữa bệnh cứu vớt chúng sinh. Cứ 3 hoặc 5 năm một lần vào khoảng tháng 11 Âm lịch, khi bắp ngô trên nương đã gùi hết về nhà, lúa ngoài đồng đã gánh hết về bản, hoặc tháng 2, tháng 3 Âm lịch của năm sau là tháng tốt, tháng lành, ở nhiều bản Thái mở hội Xăng Khan để chào mừng xuân mới và mong sức khỏe. Thời gian mở hội từ 2 đến 3 ngày.
Khi được nghe lại từ các bậc cao niên ở các bản làng đồng bào Thái thuộc huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong thì lễ hội Xăng khan có từ xa xưa. Thủa đó, “mặt đất còn như lá đa, bầu trời như nắp con ốc, rừng núi như dấu chân con gà”, Xăng khan đã được các thầy mo tổ chức. Vì mỗi ông mo được học mỗi thầy khác nhau; mỗi bản, mỗi vùng có điều kiện kinh tế, sinh hoạt khác nhau nên cách thức tổ chức lễ hội Xăng khan ở mỗi nơi cũng có sự khác nhau. Tuy nhiên, phần cơ bản trong lễ hội Xăng khan đều được các thầy mo thống nhất theo trình tự như sau: Vào dịp đầu xuân mới, thầy mo chủ (mo môn) khơi vò rượu cần xin phép tổ tiên chọn ngày lành, tháng đẹp để tổ chức lễ hội Xăng khan. Sau khi chọn được ngày, mo chủ nhờ người nhà mang trầu, cau, rượu sang mời các mo bạn tới dự lễ. Số lượng mo bạn được mời giới hạn từ 8 đến 24 người (gồm cả mo ông và mo bà). Nếu mo bạn nhận lời thì gửi làm tin cho mo chủ một cái quạt và một chiếc khăn. Ngoài mời mo bạn, mo chủ còn mời một nhóm nam, nữ thanh niên khoẻ mạnh, có phẩm chất đạo đức tốt đến giúp mo chuẩn bị đồ lễ cúng tế. Trước thời điểm mở hội 3 ngày, nhóm nam nữ thanh niên tập trung về nhà mo chủ. Ai đến trước sẽ được chọn làm người phụ trách: được theo mo chủ đi tìm cây làm hoa và được têm trầu, mời rượu các thầy mo bạn.
Quý vị có thể thấy trong lễ hội Xăng khan có một cây hoa to (xăng tan) được làm từ cây nứa già, cao chừng 3 mét. Trên cây nứa có chạm trổ nhiều hình chim, hoa và được khoan nhiều lỗ để cắm tượng trưng các loại hoa quả, muông thú. Hoa quả, muông thú được làm từ bấc cây tang, cây sắn hoặc ruột bầu phơi khô hay các hình vẽ trên giấy được nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng...Riêng loại hoa làm từ bấc cây tang thì được cắt thành từng mẩu dài chừng 2 – 3 cm, xâu vào sợi lạt nhỏ (đã được chẻ làm 2 -3 nhánh). Ở phần ngọn các nhánh hoa, người ta gắn vào một bông hoa (được cắt từ cành dâu) để giữ các bông hoa phía trong không bị tuột khỏi cành, đồng thời để tạo ra một loại hoa khác gọi là tang chò. Một loại hoa khác được xâu vào sợi vải dài rủ từ ngọn cây xăng tan xuống đất gọi là xái mường (tượng trưng cho con đường thánh thần đi từ Mường Trời xuống trần gian dự lễ hội). Ngoài cây xăng tan, người ta còn dựng hai cây mía để nguyên lá và một cây xăng boọc (cây hoa thật) được cắm vào nhiều loại hoa rừng. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các vật phẩm, dân làng, họ hàng gần xa tập trung đến nhà mo chủ dự lễ. Vào khoảng 3 - 4 giờ sáng, sau lệnh của mo chủ, mọi người xúm lại dựng cây xăng tan lên chính gian giữa, sau đó dùng sợi vải buộc vào chum rượu. Dưới sự điều hành của mo chủ, mỗi mo bạn mở một vò rượu nhỏ để cúng thông báo cho ông, bà tổ tiên biết buổi hành lễ này chỉ là đi giúp, không phải việc tư. Mo chủ tay cầm quạt cúng, đầu đội khăn trắng, ngồi trên ngựa (bằng gối đệm) hành lễ. Bên cạnh mo chủ là hai chàng trai ngồi chúc rượu và hai người phụ trách trong trang phục váy áo truyền thống, đội hoa tang chò để thõng xuống như hai bím tóc của thiếu nữ. Sau khi mo chủ cúng báo cáo với tổ tiên lý do tổ chức lễ hội xong, các mo bạn bắt đầu hành lễ. Buổi hành lễ có 54 muột, mỗi muột là một trò diễn do mo chủ hoặc các mo bạn thể hiện gồm các tiết mục: quét nhà, chống nhà, chặt củi, làm rẫy, múa kiếm, ngồi vào kiềng sắt nóng đỏ, hút thuốc bằng bột ớt giã nhỏ.....Trong mỗi lễ, mỗi muột đều xuất hiện một nhân vật là thần linh từ Mường Trời xuống. Để chuyển muột, người ta gõ nhẹ 3 hồi 9 tiếng cồng theo lệnh của mo chủ và môn (người phụ trách công việc). Xen kẽ giữa các muột, người ta tổ chức đánh cồng, múa giã chày, múa tăng bula, hát điệu nhuôn, lăm, khắp, xuối...Mo chủ thể hiện điệu múa Xăng khan cùng các thiếu nữ. Khi múa, mo đi trước, các cô gái theo sau che ô và thực hiện động tác giống mo: khi nghiêng mình, khi quay trái, quay phải. Một số thiếu nữ khác đeo lục lạc trên đôi bàn tay múa lượn vòng quanh cây hoa.
Thường thường thì các bài cúng của thầy mo trong lễ hội Xăng khan là những trường ca, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích bằng văn vần kể về thủa khai bản lập mường, về những người anh hùng dân tộc Thái, về cuộc sống của thần linh, ông bà, tổ tiên trên Mường Trời. Xăng khan là ngày vui của họ hàng của bản mường, là dịp của gái trai gặp gỡ, là ngày để dân bản trả ơn thầy mo đã chữa khỏi bệnh cho mình. Không phải chỉ những người trong bản mà cả du khách thập phương, già có, trẻ có kéo về dự hội. Sau lễ cúng, dân làng múa hát xung quanh cây hoa, càng về khuya không khí hội càng nhộn nhịp với những trò diễn độc đáo hài ước đầy ắp tiếng cười, nhộn nhịp hơn là múa tập thể. Tất cả những người đến dự hội từ già đến trẻ đều vào cuộc múa, múa hết mình hoà lẫn trong âm vang nhộn nhịp của tiếng chiêng, trống, tiếng khua luống, tiếp dập của ống nửa (tẳng bù), tượng trưng cho sấm, mưa cho sự phồn thực với mong ước của một mùa màng tươi tốt. Hái hoa (Kếp boóc) là phần cuối của lễ hội Xăng Khan, chủ nhà là người trực tiếp hái hoa đem tặng cho mọi người, mỗi bông hoa là một phần thưởng tượng trưng cho bổng lộc và sự may mắn trong cuộc sống. Bằng lời hát chia tay thắm thiết hẹn kỳ hội sau gặp lại, và lúc này trời cũng vừa sáng, mọi người trở về tiếp tục với công việc hàng ngày của mình.
Lễ hội Xăng Khan là một lễ hội tín ngưỡng dân gian độc đáo của người Thái, góp phần thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nhất là văn hóa tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và người Thái nói riêng. Tuy nhiên những năm gần đây, nhiều bản làng Thái không còn lễ hội Xăng Khan nữa, nguyên nhân thì nhiều nhưng quan trọng nhất vẫn là con người và cách ứng xử của con người đối với lễ hội.
Kết thúc phần tìm hiểu về các lễ hội truyền thống của dân tộc Thái thì bây giờ đoàn nhà mình có thể cùng em tìm hiểu về nhữn phong tục lễ cưới và ma chay của dân tộc này ạ.
Các tỉnh miền núi Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình nơi nhiều đồng bào Thái sinh sống
Người Thái Trắng, sau phát triển thế lực sang Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La), Mường Tè (tỉnh Lai Châu), tới Mường Tấc (Phù Yên) và một bộ phận di chuyển xuống Đà Bắc (tỉnh Hoà Bình) và Thanh Hóa.
Truyện “Quán tô mướng” (kể truyện bản mường) miêu tả kỷ lưỡng  về quá trình thiên di và làm chủ đất đai Tây Bắc. Căn cứ vào truyện kể ta thấy, người Thái Đen đến Mường Lò tới nay đã được 45 thể hệ và các sử sách Việt Nam từ thời Lý trở đi đã ghi chép ngày một nhiều về tình hình hoạt động của người Thái ở Tây Bắc khá sôi nổi".
Truyện cổ của người Thái kể, hai anh em Tạo Xuông, Tạo Ngần thuộc dòng dòi họ Tạo dât Tung Hoàng xưa, đã dần các hộ thuộc nội tộc ra đi, xuôi sông Hồng đến Mường Mìn (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), rồi rẽ vào Mường Lò (huyện Văn Chẩn, tỉnh Yên Bái). Sau hai, ba đời cư trú ở Mường Lò, Lò Lạn Chượng chỉ huy quần lính đánh chiếm Mường Chiến, Mường Trại, Mường Bú,... tiếp tục mở rộng xâm chiếm những Vùng khác ở Tây Bắc, Thượng Lào.
Thưa toàn thể quý đoàn nhà mình thì hiện nay dân tộc Thái ở Việt Nam có dân số đông đứng thứ 3 cả nước sau người Kinh và người Tày, họ sống rải rác ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Nghệ An và một số vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên… Đây là dân tộc sở hữu rất nhiều nét văn hóa đẹp và đặc sắc đặc biệt là tục cưới hỏi. “Trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng” từ bao đời nay đã trở thành quy luật của toàn xã hội. Và ở người Thái cũng vậy, khi con trai và con gái đến tuổi trưởng thành, họ sẽ được chủ động tìm hiểu và lựa chọn người bạn đời của mình, ít theo sự sắp đặt của cha mẹ.
Hòa nhập với sự phát triển của xã hội, một số phong tục cưới hỏi rườm rà, phức tạp của người Thái đã được giản lược bớt như tục trộm vợ, thăm tháng, tục rửa chân… Tuy nhiên vẫn có nhiều nghi thức, nghi lễ trong cưới hỏi được đồng bào Thái nơi đây duy trì và gìn giữ cho tới tận ngày nay, cụ thể đó là:
Nghi lễ “Dướn dăng” với dân tộc mình thì gọi là lễ dạm ngõ đó ạ. Khi đôi nam nữ đã thương nhau qua thời kỳ tìm hiểu, mong muốn đi đến hôn nhân thì sẽ về nhà báo cho bố mẹ hai bên cùng biết. Sau đó, nhà trai sẽ cử người mang trầu cau đến thăm nhà gái để hỏi vợ cho con, hai bên tiến hành nghi lễ “Dướn dăng” tức là Lễ dạm ngõ. Trong buổi này, nếu 2 bên gia đình đều ưng thuận thì sẽ đi đến thống nhất với nhau về ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới.
Thưa quý vị nghi lễ tiếp theo em muốn nhắc tới đó chính là thách cưới. Cũng giống như ở một số vùng miền của người dân tộc Kinh, trong hôn nhân của người Thái cũng có tục Thách cưới. Nếu như trước đây, nhà gái thường thách cưới nhà trai 1 con nghé và 2 nén bạc thì ngày nay đã được thay thế bằng tiền mặt. Và điểm đặc biệt trong phong tục đám cưới dân tộc Thái đó là trong khoảng thời gian chờ đến ngày tổ chức hôn lễ, nhà gái phải chủ động sắm sửa tất cả mọi thứ như dệt vải, mua váy, chăn, gối, nệm… Và chuẩn bị quà cáp cho từng người bên nhà trai như ông bà, bố mẹ, anh chị, chú bác như quần áo, gối, chăn… Nhà gái chuẩn bị được bao nhiều đồ thì nhà trai phải chuẩn bị người để khiêng lễ về.
Quý đoàn nhà mình đã được nghe đến nghi lễ tát nước bao giờ chưa ạ? Dạ vâng khi nhà trai đến buổi đón dâu, đoàn nhà trai phải vượt qua nghi lễ “Tát nước” mà nhà gái đã chuẩn bị sẵn. Khi nhà trai vừa bước vào cổng, bên nhà gái sẽ hất nước làm cho người nhà trai bị ướt, nhất là tập trung vào ông mối và chú rể.
Những nghi lễ của đồng bào Thái phải chăng rất thú vị phải không ạ? Và một nghi thức đặc biệt trong phong tục cưới hỏi của dân tộc Thái đó là nghi thức Quỳ lạy. Nghĩa là sau phần tát nước thì nhà trai phải xin nhà gái không tát nước nữa, chú rể sẽ vào trong nhà thay quần áo để tiếp tục tiến hành nghi thức tiếp theo đó là nghi thức Quỳ lạy. Lúc này, ông mối sẽ dọn lễ gồm có trầu cau, rượu, gà… và giới thiệu các thành viên trong gia đình nhà trai.Chú rể sẽ bắt đầu mời rượu và quỳ lạy tổ tiên, ông bà và bố mẹ bên nhà gái. Và một trong những nét văn hóa cưới hỏi rất đặc sắc của dân tộc Thái không thể lẫn với các đồng bào dân tộc khác đó là trong lúc chú rể quỳ lạy, người nhà cô dâu sẽ bất ngờ xông vào xô ngã chú rể để chú rể không thể quỳ lạy thành công. Sau khi hoàn tất nghi thức Quỳ lạy, nhà trai bắt buộc phải ở lại nhà gái để tổ chức ăn uống qua đêm, khi rạng sáng mới được phép rước dâu đi. Bởi người Thái quan niệm rằng đây là thời điểm quy tụ nhiều tinh túy của đất trời nên cuộc sống hôn nhân của đôi tân lang tân nương về sau sẽ được may mắn và hạnh phúc.
Không để quý vị phải háo hức tò mò còn nghi lễ nào nữa không thì nối tiếp là lễ “Phúc beeng” hay được gọi là lễ tơ hồng. Vào lúc nửa đêm hoặc rạng sáng trong thời gian chờ đợi đến giờ rước dâu, ông mối sẽ tiến hành làm lễ “Phúc beeng” với lễ vật gồm có gà, xôi, trứng gà, trầu cau… Tiếp đến, ông mối sẽ chuẩn bị 1 hũ rượu cần và 2 vòi uống rượu, 2 vòi này được buộc bằng 1 sợ dây gai. Cô dâu và chú rể sẽ cùng nhau uống hũ rượu cần này. Sau đó, ông mối sẽ chia cho cô dâu và chú rể mỗi người 1 cái đùi gà và nửa quả trứng gà luộc. Điều này mang ý nghĩa là cuộc sống vợ chồng sau này sẽ gắn bó keo sơn, hòa thuận và êm ấm. Và cuối cùng, sau khi nhà trai đã đón được cô dâu về nhà thì tiệc cưới sẽ được bắt đầu. Lúc này, nhà trai sẽ chuẩn bị mâm cơm để tiếp đón nhà gái và họ hàng, khách khứa. Nhà trai phải có nhiệm vụ thực hiện tất cả các món ăn mà nhà gái yêu cầu. Và trong đám cưới, chú rể sẽ đưa cô dâu đi chúc rượu từng người trong gia đình 2 bên và quan khác. Cùng với đó là các cặp đôi nam nữ 2 bên nhà trai và nhà gái sẽ hát đối đáp giao duyên.
Khi mọi việc đã xong xuôi, họ nhà gái ra về thì sẽ chỉ có dâu và một phụ dâu qua đêm ở nhà trai. Và đêm đầu tiên ở nhà trai, cô dâu và chú rể chưa được ngủ cùng nhau mà phụ dâu sẽ ngủ cùng cô dâu, cho tới khi cô dâu và chú rể lại mặt nhà ngoại thì phụ dâu mới được theo về. Đến đây quý đòn nhà mình có thể thấy đám cưới dân tộc Thái với những phong tục, nghi lễ độc đáo đã tô vẽ thêm cho bức tranh văn hóa dân tộc trở nên đặc sắc và phong phú hơn.
[block id="tu-van-tour"]
Đến với phong tục ma chay của người Thái thì thưa toàn thể quý vị, hoả táng là tục lệ đã có từ ngàn xưa của người Thái Đen. Họ tin rằng khi thi hài được “tắm rửa” bằng lửa, linh hồn sẽ lên được mường trời, tiếp tục “sống” trong một thế giới khác. Nghi lễ ma chay và các tập tục liên quan đến ma chay của người Thái đen ở Tuần Giáo-Điện Biên là một trong những nét văn hoá của dân tộc phản ánh quan niệm về tôn giáo tín ngưỡng, tập quán địa phương và mối quan hệ giữa con người với con người. Một đám ma thông thường diễn ra theo các trình tự sau:
Khi trong nhà có người tắt thở, người nhà phải tắm rửa bằng nước thơm và thay quần áo cho người chết. Nước thơm dùng để tắm cho người chết thường được đun lên và cho một ít hoa thơm có trong gia đình như: hoa bưởi, hoa ban… Người Thái cho rằng dùng nước có ướp các loại hoa trên sẽ có mùi thơm dịu và có tác dụng khử các mùi hôi tanh. Người ta gội đầu, chải, búi tóc và thay quần áo cho người quá cố. Đối với nhà nghèo, đồ thay cũng chỉ là những bộ quần áo hàng ngày, còn đối với gia đình giàu có thì đồ thay được chuẩn bị từ trước. Thông thường, người ta sẽ mặc theo thứ tự áo trắng ở trong, áo đen ở ngoài. Tiếp đó người ta đặt người quá cố xuống đệm và lấy vải trắng cuốn quanh người, vải đỏ phủ lên trên. Lấy một ít đồng bạc trắng cho vào tay người chết, làm như vậy khi lên trời họ sẽ có chút tiền để tiêu. Sau đó người nhà sẽ mổ một con vịt, chặt đầu, hai cánh và hai chân buộc lại rồi để cạnh người chết, nếu để lâu họ thường treo gác bếp. Với quan niệm khi người chết lên trời sẽ phải đi qua sông và tiếng kêu của con vịt sẽ giúp đưa đường cho người chết qua sông để mau lên trời về với tổ tiên. Sau khi làm xong các thủ tục trên, người nhà sẽ gọi người chết một lần nữa xem còn sống không. Nếu không thưa thì họ ra sân trước nhà kêu thật to: “Trời ơi! Bố (mẹ) tôi chết rồi”, khi đó những người trong gia đình mới được khóc.
Theo em tìm hiểu và được biết thì trong đám ma, người Thái đen quan niệm rằng: họ hàng gần xa với tang chủ chia làm hai loại. Một loại được mang khăn tang (bả hua đón) và một loại không mang khăn tang (bả hua đăm) Trong số “bả hua đón”, người ta cử ra 3 người làm “po pả” (chủ đám tang). Hiện nay, chủ đám tang thường là Trưởng bản. “Po pả” sẽ phân công công việc cho mọi người. Một số đi bắt rể gốc hay còn được gọi là khươi cốc, rể thứ về chịu tang. Khươi cốc ở đây có nghĩa là thông thường trước khi qua đời, người ta sẽ chọn cho mình trong số các con rể một người làm nhiệm vụ đưa đường. Nếu không kịp chọn thì sẽ cử ra một trong số các con rể mà người quá cố yêu quý nhất.
Và trong đám ma của người Thái đen thì Khươi cốc có nhiệm vụ rất quan trọng như làm cơm phục vụ những người đến viếng, đọc số “pắp sống” (sổ đưa ma), bàn giao tài sản cho người chết… Trong đời sống hàng ngày, người quá cố ngủ ở đâu thì khi chết, thi thể họ sẽ được đặt ở chỗ đó. Người ta khâm liệm cho người chết dưới xà ngang giữa hai cột cái trong nhà, đó là cột “khau hẹ” và “khau chảu xửa”. Theo quan niệm của người Thái đen, ma nhà trú ngụ trên xà ngang đó, khâm liệm ở đây để ma nhà biết mà đi. Trước khi đặt người chết vào quan tài, mỗi con dâu phải có một đôi khăn mặt (một chiếc màu trắng, một chiếc màu đỏ) để phủ mặt người chết. Tiếp theo, con cháu lấy chuôi dao gõ mạnh vào cột “chảu xửa”. Dưới gầm sàn nơi liệm người chết, người ta cũng dùng đinh đóng xuống. Trên mái nhà đối diện với nơi đặt người chết, người ta thường dỡ một viên ngói hoặc lấy ngọn giáo chọc thủng. Làm như vậy, người Thái đen cho rằng họ đã mở cửa đất, cửa trời cho người chết về với tổ tiên.
Trong đêm thứ nhất của ngày khâm niệm, mỗi gia đình trong bản đều cử người túc trực ở nhà người chết. Trong đêm này, người ta thường tổ chức thi đánh cờ, đọc truyện cổ tích, truyện dựng bản mường và bài “sống sán” (bài dẫn đường cho người chết lên trời) làm cho không khí bớt phần lạnh lẽo. Theo người Thái đen, người chết để trong nhà bao lâu sẽ do “lung tà” (người đứng đầu bên ngoại) quyết định. Thông thường họ sẽ tránh chôn người chết vào các ngày: ngày mất của những người trong gia đình và ngày “mừ tấu” (đây là ngày không có gì, nếu chôn người chết vào ngày này thì con cháu ở lại sẽ không làm ăn được). Tuy nhiên hiện nay, để thực hiện theo nếp sống văn hoá, người Thái sẽ không để người chết trong nhà quá lâu. Theo phong tục, thường trước khi qua đời, người chết đã dặn nên chôn cất ở đâu trong bãi tha ma của bản. Nếu chưa kịp dặn thì con cái hoặc Khươi cốc sẽ chọn. Khi chọn được chỗ ưng ý, Khươi cốc sẽ dọn sạch một khoảng nhỏ bằng chiếc chiếu và làm nghi lễ xin phép thổ địa bằng cách lấy một con gà luộc, một nắm xôi và một chút tro bếp mang theo từ nhà đặt giữa khoảng đất lót lá cây, rồi lấy thanh kiếm cắm trước những lễ vật trên sao cho phía lưỡi kiếm quay về phía mình và khấn những lời xin phép thổ địa trao đất cho người chết. Tiếp theo, Khươi cốc tung hai thanh tre vào lưỡi kiếm. Nếu hai thanh tre rơi xuống một thanh xấp, một thanh ngửa thì việc chọn nơi chôn cất đã xong. Ngược lại phải đi tìm nơi khác. Trước khi đưa người chết đi chôn, người ta làm nghi lễ từ biệt con cháu, đó là khiêng quan tài đi một vòng quanh nhà, dâng lên hạ xuống ba lần chào con cháu mong ở lại mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Đi đầu là Khươi cốc tay cầm bó đuốc, đeo dao, lưng đeo cờ v.v… Bó đuốc phải được châm lửa từ bếp, trên đường đi nếu bị tắt phải chạy về nhà châm tiếp không được xin người khác. Nếu người khác cho lửa thì hồn của người đó sẽ đi theo người chết. Còn nếu lửa bị tắt phải quay về nhà lấy thì mọi thứ người đó mang theo phải để lại rừng vì sợ ma người chết về theo. Và khi đi đến chỗ chôn, người ta đặt quan tài cạnh miệng huyệt và làm một mâm cơm mời người chết ăn bữa cuối cùng. Mâm cơm thường có xôi, gà và rượu. Trước khi hạ huyệt Khươi cốc cầm đuốc và dao hua trong huyệt để xua đuổi hồn của người khác không cho đi theo người chết. Sau khi chôn xong sẽ làm nhà mồ. Nhà mồ người Thái đen cao đến thắt lưng được lợp bằng cây cỏ gianh tươi. Ngày nay, nhà mồ thường lợp bằng ngói, không đào rãnh sâu mà thay vào đó họ sẽ rào xung quanh cẩn thận, có cổng ra vào, xung quanh được cắm lá cờ nhỏ, hai bên đầu sàn cắm cờ lớn. Nếu người chết là đàn ông thì nhất thiết phải có thêm cờ lớn, tiếng Thái gọi là “chao phạ” dài khoảng từ 8 đến 12 sải tay. Độ dài của “chao phạ” phụ thuộc vào tuổi và uy tín của người chết. Nếu người chết là nữ còn có một ô màu đen. Thang lên xuống của nhà mồ có số bậc là chẵn. Trong nhà mồ thường có các đồ dùng của người chết như: chiếu, chăn, đệm, gối, “bem” (đồ đựng quần áo)…Ngoài nhà mồ treo đầu, chân, cánh vịt. Xung quanh nhà mồ trồng cây chuối, dứa, sả… Các con cháu dâu mỗi người gom một ít củi nhỏ để trong nhà mồ để người chết có thể dùng củi đó nhóm lửa cho linh hồn bớt cô quạnh.
Đến sáng sớm ngày hôm sau, người ta phải tổ chức ngay lễ “Au phi khửn hươn” (mời ma người chết về nhà để trở thành ma nhà). Lễ này phải được tiến hành càng nhanh càng tốt vì nếu để lâu người chết bơ vơ giữa rừng sợ ác thần bắt mất. Nghi lễ này phải mời thầy mo đến cúng. Lễ cúng thường có xôi, gà, rượu, thịt…mang ra chỗ chôn cúng, mời hồn người chết về và mang theo một nắm đất nơi chôn người chết. Khi về đến nhà, người nhà sẽ phải mổ lợn cúng lần nữa để nhập hồn người chết vào và đưa lên bàn thờ thờ cùng tổ tiên. Và sau khi hoàn tất các công việc Khươi cốc sẽ tổ chức một bữa cơm để xin lỗi gia đình vì công việc mà Khươi cốc phải đảm nhiệm trong lần này và hứa với mọi người trong gia đình sẽ không có lần tiếp theo.
Vậy là cũng kết thúc những phong tục tập quán của dân tộc Thái và bây giờ em xin phép mới quý đoàn nhà mình di chuyển đến với những khu nhà ở của dân tộc Thái để quý đoàn nhà mình được hiểu biết thêm về cuộc sống sinh hoạt của đồng bào Thái ạ.
Trước khi đoàn nhà mình di chuyển vào khu nhà ở của người Thái thì em xin phép được giới thiệu qua cho quý vị biết thêm về văn hóa của dân tộc Thái ạ. Với đồng bào người Thái thì thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ, ca dao… là những vốn quý báu của văn học cổ truyền người Thái. Những tác phẩm thơ ca nổi tiếng của đồng bào Thái là: “Xống chụ xon xao”, “Khun Lú, Nàng Ưửa”. Người Thái sớm có chữ viết nên nhiều vốn cổ (văn học, luật lệ, dân ca) được ghi chép lại trên giấy bản và lá cây. Và đồng bào người Thái rất thích ca hát, đặc biệt là khắp. Khắp là lối ngâm thơ hoặc hát theo lời thơ, có thể đệm đàn và múa. Nhiều điệu múa như múa xòe, múa sạp đã được trình diễn trên sân khấu trong và ngoài nước, hấp dẫn đông đảo khán giả. Hạn khuống, ném còn là hai đặc trưng văn hóa nổi tiếng của người Thái. Giữ gìn và kế thừa kiến trúc nhà sàn dân tộc Thái trong đời sống đương đại hiện nay được xem không chỉ là trách nhiệm mà còn là việc cần làm nhằm tạo dựng tính bản sắc vùng miền.
Dạ kính thưa toàn thể quý đoàn nhà mình thì kiến trúc nhà ở truyền thống và việc tổ chức môi trường sống cộng đồng của mỗi dân tộc trên đất nước Việt Nam là một hệ thống di sản quý giá. Chính những sự biến đổi và kế thừa ấy cũng minh chứng cho những giá trị của một dòng kiến trúc, của một giá trị văn hóa có sức sống cùng với thời gian. Giữ gìn và kế thừa kiến trúc nhà sàn dân tộc Thái trong đời sống đương đại hiện nay được xem không chỉ là trách nhiệm mà còn là việc cần làm nhằm tạo dựng tính bản sắc vùng miền.
Đối với dân tộc Thái ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là khởi nguồn tập trung ở khu vực Mường Lò (Yên Bái), từ đó phát triển sang các tỉnh Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu hay vào đến tận miền trung như Thanh Hóa, Nghệ An. Dân tộc Thái là nhóm dân tộc thiểu số còn lưu giữ đậm bản sắc văn hóa của dân tộc cả về phong tục, ăn mặc, ẩm thực, trang phục và đặc biệt là kiến trúc nhà, với ngôi nhà sàn có vẻ đẹp về tỷ lệ, hài hòa với thiên nhiên, thích ứng với khí hậu, cấu trúc gỗ đặc sắc và là nơi gìn giữ tinh thần truyền thống của người Thái. Người Thái có 2 nhóm tộc chính là Thái Đen (Táy Đăm) và Thái Trắng (Táy Khao).
Nhà ở truyền thống của dân tộc Thái là dạng nhà sàn, kết cấu gỗ, mái dốc lợp tranh, nhà có 5-7 gian, sàn cao khoảng 1,3-2,4m Nhà có 2 cầu thang, một cho đàn ông (7 bậc), một cho phụ nữ (9 bậc). Nhà có các chi tiết đặc trưng, tinh tế như Khau-cút, hoa văn lan can, cửa số. Nhà sàn người Thái Đen có mái đầu hồi khum khum tạo dáng cho cả tòa nhà như hình con rùa, nhà người Thái Trắng mái đầu hồi phẳng. Cũng giống như những ngôi nhà truyền thống khác của người Kinh, người Mường, ngôi nhà truyền thống của người Thái gần đây đang có những biến đổi rõ rệt, sự biến đổi mang tính quy luật của cuộc sống mới, của môi trường thiên nhiên. Tuy nhiên bên cạnh sự biến đổi có tính kế thừa và thích ứng hợp lý, có rất nhiều vấn đề đang đặt ra bởi những xu hướng biến đổi tiêu cực đã rất rõ rệt và là nguy cơ làm mai một các giá trị di sản truyền thống quý giá.
Dân tộc Thái nâng cao sàn và sử dụng tầng trệt (gầm sàn) với nhiều chức năng đa dạng hơn: Trước đây tầng trệt thường là thấp (dưới 2,4m) vì mục tiêu chủ yếu tránh không khí ẩm thấp của miền núi, có hại cho sức khỏe, không gian chỉ để củi, buộc trâu bò, nông sản. Hiện nay chiều cao sàn đã được nâng dần, nhất là những ngôi nhà mới dựng 10-15 năm trở lại đây, với chiều cao 2,5-2,7m. Gầm sàn đã được sử dụng như một không gian sinh hoạt chung, tiếp khách, mắc võng nghỉ, chỗ chơi trẻ em.
Tầng trệt của nhiều nhà ở của đồng bào Thái đã được quây lại một số ngăn để làm bếp, vệ sinh hoặc phòng ngủ, thành chỗ bán hàng và nơi tiếp khách. Cũng do nhu cầu sử dụng tầng trệt mà sàn gỗ ghép kiểu truyền thống với nhiều khe hở đã thể hiện nhược điểm là rơi bụi xuống các phòng bên dưới. Vì vậy nhiều nhà đã dùng bạt nilon chăng dưới sàn gỗ để tránh bụi. Một số nhà khác chuyển sang làm sàn bằng bê tông đổ toàn khối.
Dân tộc Thái chuyển kết cấu nhà từ khung cột gỗ sang dùng cột bê tông là rất rõ rệt. Cũng do việc thay đổi vật liệu khung từ gỗ sang bê tông mà hình dáng khung đỡ mái cũng thay đổi. Tuy nhiên một số hộ vẫn cố gắng đổ bê tông toàn khối giống như kiểu khung gõ, chúng ta có thể thể thấy là khá phức tạp trong thi công.
Một sự thay đổi nữa là dân tộc Thái họ đã chuyển từ sử dụng mái lợp tranh sang mái lợp ngói, tôn. Những mái này khá nóng, tiếng ồn lớn khi trời mưa nhưng vì rẻ, phù hợp với điều kiện người dân nên vẫn đươc sử dụng nhiều. Ngoài ra có một số nơi lợp ngói ta nhưng vì mái khá nặng, tốn gỗ nên gần đấy ít xây dựng. Chính vì lợp tôn nóng nên mùa hè người dân thường sinh hoạt dưới tầng trệt, tối đến mới lên nhà. Đây cũng là lý do sẽ dẫn đến xu hướng ở trệt như người Kinh. Cũng vì việc sử dụng vật liệu này mà nhiều gia đình người Thái đen đã không còn làm đầu hồi nhà cong hình mui rùa mà làm phẳng giống nhà người Thái trắng.
Sự mất đi của các trang trí kiến trúc mang tính đặc trưng của ngôi nhà dân tộc Thái cũng khá rõ. Khau-cút, biểu tượng của ngôi nhà Thái nay hầu như không còn thấy tại Yên Bái. Qua tìm hiểu được biết Khau- cút vốn là biểu trưng cho sự giàu có hoặc vị thế của gia đình trong bản, nhà giàu thường làm Khau – cút đẹp. Tại bản Hốc, bản du lịch của Văn Chấn nhưng cũng không còn ngôi nhà nào còn Khau-cút, người dân đã bỏ từ những năm 80-90. Các chi tiết trang trí như lan can, cửa sổ đã ít nhiều ảnh hưởng của vật liệu mới từ miền xuôi và không thể tránh khỏi phong cách kiến trúc lai tạp như kiểu lan can inox dáng con tiện, con tiện bê tông… cửa số kính.
Cộng thêm những sự thay đổi trong tập quán, lối sống cũng đã làm thay đổi cách bố trí nội thất trong ngôi nhà. Bên trong nhà hầu như không còn bếp lửa. Bếp được điều chỉnh thành các dạng đặt ở gian đầu hoặc cuối, hoặc tách ra bên ngoài nhà, xây một ngôi nhà nhỏ trệt hoặc nhà sàn hoặc bố trí ở tầng trệt. Việc sử dụng bếp ga, bếp điện tại các bản gần đô thị cũng tạo điều kiện để người ở thay đổi cách đặt bếp kiểu nấu củi truyền thống. Khu vệ sinh trước đây đặt xa nhà, nay ngày càng có xu hướng đặt gần hơn. Khu vệ sinh thường bố trí trong nhà phụ (tầng trệt ) hoặc ngay trong tầng trệt nhà chính. Cũng do có hệ thống giếng khoan nên nhà vệ sinh có thiết bị mới, bình nước i-nox trên nóc nhà đã trở nên phổ biến. Bên trong ngôi nhà, các chức năng khác cũng xuất hiện như chỗ để tủ ly, vô tuyến, một số nhà đã tiếp khách bằng bộ bàn ghế gỗ kiểu người Kinh thay vì ngồi trệt. Chỗ ngủ của người Thái trước dây là trải đệm, một số hộ nay cũng thay bằng giường. Số lượng người trong một căn hộ thay đổi cũng làm cho nhu cầu diện tích ngôi nhà nhỏ lại. Thường mỗi hộ gia đình nay cũng chỉ có 2,3 con, nhu cầu cần nhiều gian làm nơi ngủ giảm. Trước đây một ngôi nhà 5 gian có diện tích sàn khoảng 120m2, có thể có tới 6 buồng ngủ. Nay một số nhà đã chủ động cắt ngắn số gian để giảm diện tích sàn xuống khoảng 80-90 m2, chỉ để 3-4 buồng ngủ. Chính vì vậy ta có thể thấy nhiều ngôi nhà chỉ có 4 gian, không theo quy uớc số gian lẻ như trước.
Do vậy việc giữ gìn kiến trúc nhà sàn Thái truyền thống cũng tránh chỉ chú trọng ở việc bảo tồn, tu bổ các ngôi nhà sàn truyền thống theo nguyên gốc để khai thác được du lịch và em muốn quý đoàn nhà mình tìm hiểu về kiến trúc nhà ở để cần nhìn nhận một mục tiêu lớn hơn, một trách nhiệm lớn, đó là định hướng sự biến đổi của nó, kế thừa các giá trị văn hóa của nó, hòa mình trong cuộc sống đương đại.
[block id="tu-van-tour"]
Thưa toàn thể quý vị, từ trước tới nay, trang phục của người dân tộc Thái được ca ngợi bởi sự đơn giản, duyên dáng và thanh lịch, nhưng ít ai biết được, để có bộ trang phục “hút hồn” như vậy, người dân đã phải khéo léo kết hợp từng chi tiết để tạo nên hình ảnh những cô gái Thái rất riêng. Các nhóm người Thái như Thái Đen, Thái trắng đều có nhiều điểm chung trong trang phục hằng ngày nhưng trong đó, vẫn nổi bật bản sắc riêng để phân biệt.
Một bộ trang phục truyền thống phụ nữ Thái gồm: áo ngắn (xửa cỏm), áo dài (xửa chái và xửa luổng), váy (xỉn), thắt lưng (xải cỏm), khăn (piêu), nón (cúp), xà cạp (pepăn khạ), các loại hoa tai, vòng cổ, vòng tay và xà tích. Xửa cỏm (áo ngắn bó sát người có hàng cúc bướm) có thể may bằng nhiều loại vải với màu sắc khác nhau. Chính hàng khuy bạc hay kim loại đã làm cho xửa cỏm thành chiếc áo đặc trưng của bộ nữ phục Thái. Theo quan niệm dân gian Thái, hai hàng cúc bạc trên hai vạt áo xửa cỏm là tượng trưng cho sự kết hợp nam với nữ, tạo nên sự trường tồn của nòi giống. Phụ nữ Thái còn mặc hai loại áo dài là xửa chái và xửa luổng. Xửa chái may bằng vải chàm đen, kiểu áo 5 thân, cài cúc phía bên tay trái, cổ đứng, gấu áo phủ quá đầu gối. Theo tục lệ, phụ nữ có chồng mới mặc xửa chải vào dịp cưới xin, hội hè. Xửa luổng là áo khoác ngoài, may dài, rộng, chui đầu, có tay hoặc không có tay. Phụ nữ Thái từ khi còn trẻ đã may loại áo này, một dành cho bản thân khi về già và một dành biếu mẹ chồng khi về làm dâu. Các cụ già mặc áo xửa luổng lộn trái vào ngày thường, chỉ khi chết mới mặc mặt phải. Váy (xỉn) cùng với xửa cỏm tạo nên dáng nét chính của bộ nữ phục Thái. Phụ nữ Thái mặc váy hai lớp: váy trắng lót bên trong và và váy chàm mặc ngoài. Thắt lưng (xài ẻo) làm bằng vải tơ tằm hay sợi bông màu xanh lam hoặc tím xẫm, giữ cho cạp váy quấn chặt lấy eo bụng. Khăn Piêu là vật dụng “cầm tay” của các cô gái Thái mỗi khi đi ra đường hay trong các dịp hội hè.Chiếc khăn piêu được các cô gái Thái thêu thùa rất cầu kì, nó thể hiện sự khéo léo của mỗi cô gái.
https://wondertour.vn/wp-content/uploads/2021/12/nguoi-thai-wondertour-1024x683.jpg
Thưa quý vị dân tộc Thái chia ra làm hai nhóm người lớn nhất đó chính là Thái đen và Thái trắng. Sự khác biệt giữa nữ giới của dân tộc Thái Đen và Thái Trắng được thể hiện trong các dịp hội hè. Những dịp đó, phụ nữ Thái Trắng thường mặc áo dài màu đen. Đây là loại áo dài thụng thân thẳng, không lượn nách, được trang trí bằng vải “khít” ở giữa thân có tua vải phủ từ vai xuống ngực, nách áo trang trí theo lối đáp hai mảng hoa văn trong bố cục hình tam giác. Phụ nữ chưa chồng búi tóc sau gáy, có chồng búi trên đỉnh đầu. Họ có loại nón rộng vành. Trong khi đó, phụ nữa Thái Đen thường mặc áo dài xẻ nách, chui đầu, trang trí phong phú đa dạng về màu và màu mà mô-típ hơn Thái trắng. Nói đến trang phục người Thái thì không thể không nhắc tới các đồ trang sức đeo trên người như vòng cổ, vòng tay, hoa tai, trâm cài tóc trên đầu, xà tích và cả cúc bạc…
Dạ kính thưa các chị em nhà mình, các chị em nhà mình đã được tìm hiểu và được trải nghiệm những bộ trang phục nữ để cho ra đời những chiếc ảnh độc nhất thì quý vị có thể cùng em tìm hiểu tiếp về trang phục nam để các anh, các chú trong đoàn nhà mình có thể nhìn thấy được nam dân tộc Thái có phong cách như thế nào được không ạ? Dạ vâng thì so với trang phục nữ, trang phục nam người Thái đơn giản và ít chứa đựng sắc thái tộc người và cũng biến đổi nhanh hơn. Trang phục nam giới gồm: áo, quần, thắt lưng và các loại khăn. Áo nam giới có hai loại, áo cánh ngắn và áo dài. Áo ngắn may bằng vải chàm, kiểu xẻ ngực, tay dài hoặc ngắn, cổ tròn. Khuy áo làm bằng đồng hay tết thành nút vải. Áo không có trang trí hoa văn chỉ trong dịp trang trọng người ta mới thấy nam giới Thái mặc tấm áo cánh ngắn mới, lấp ló đôi quả chì (mak may) ở đầu đường xẻ tà hai bên hông áo... Mặc dù có những nhóm người Thái khác nhau nhưng nhìn chung trang phục của họ phần nào cũng thể hiện ảnh hưởng của nhau. Tất cả đều rất tự hào về bản sắc riêng của mình và không ngừng bảo tồn, phát huy, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tộc người, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam Tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngay từ đầu, khi giới thiệu về dân tộc Thái thì em chưa có nói người Thái có cội nguồn ở vùng Đông Nam Á lục địa đúng không ạ? Dạ vâng thì tổ tiên xa xưa của người Thái có mặt ở Việt Nam từ rất sớm. Người Thái sớm đi vào nghề trồng lúa nước trong hệ thống thuỷ lợi thích hợp được đúc kế như một thành ngữ – “mương, phai, lái, lịn” (khơi mương, đắp đập, dẫn nước qua vật chướng ngại, đặt máng) trên các cánh đồng, thung lũng. Sự đa dạng và giàu có của tự nhiên là một trong những nguồn sống quan trọng tạo nên các điểm dân cư của người Thái. Từ đó, người Thái hình thành các hoạt động kinh tế chủ yếu sau: Đầu tiên phải kể đến đó là nghề trồng trọt, với hệ thống nông nghiệp của người Thái bao gồm 2 loại chính: Trồng lúa nước và trồng trọt trên nương. Trồng lúa nước là hoạt động kinh tế chiếm vai trò chủ đạo trong đời sống kinh tế của người Thái, mỗi năm người Thái làm 2 vụ: Vụ chiêm thường gieo cấy vào cuối tháng 12 đầu tháng 01 dương lịch, vụ mùa thường vào tháng 6 đến tháng 9, gieo trồng thường ở nơi có địa hình thung lũng, bằng phẳng, gần khe suối để cung cấp nước cho ruộng, giống thóc chủ yếu là: tám thơm, bao thai, sáu tư… Các khâu chăm sóc ruộng nước chủ yếu bằng thủ công, dùng sức trâu, bò để kéo, cày bừa đất, bằng sức người để chăm sóc lúa. Ngoài trồng lúa nước người Thái còn canh tác nương rẫy, trồng lúa xen kẽ các cây hoa màu như: Đậu tương, ngô, khoai, sắn… mỗi năm 01 mùa vụ, trồng vào cuối tháng 01 đến đầu tháng 3 âm lịch. Hoạt động nông nghiệp trồng trọt, nương rẫy là hoạt động canh tác truyền thống có tác động lớn đến đời sống kinh tế – văn hóa của người Thái. Tiếp đến, nghề chăn nuôi là hoạt động kinh tế không thể thiếu đối với người Thái, chăn nuôi bổ trợ cho trồng trọt, cung cấp sức kéo cho nông nghiệp, cải thiện bữa ăn hàng ngày, là sản phẩm dùng để trao đổi buôn bán. Dạ thưa quý đoàn nhà mình thì trước đây chăn nuôi không đem lại nhiều sản phẩm, chủ yếu chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như: lợn, gà, vịt để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng. Người Thái thường thả rông trâu, bò trên nương, trên các sườn đồi. Ngày nay, chăn nuôi đã phát triển hơn trước rất nhiều, họ đã làm trang trại, dùng trâu, bò để cày, kéo, chăn nuôi gia cầm để thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt, tâm linh trong đời sống hàng ngày. Đặc biệt nghề thủ công là hoạt động kinh tế bổ trợ, trong hoạt động thủ công của người Thái đáng chú ý là nghề đan lát.Đan lát là nghề thủ công truyền thống của người Thái dựa trên nguyên liệu có sẵn trong địa bàn sinh sống là: Tre, mây, nứa, giang… Người Thái có kỹ thuật đan lát rất độc đáo, mỗi loại sản phẩm đều có kỹ thuật đan khác nhau, có công dụng riêng, dùng trong vận chuyển và sinh hoạt hằng ngày: rổ, rá, bung, ếp…
Thưa toàn thể quý vị thì những cánh đàn ông người Thái còn đan chài lưới để đánh bắt cá. Đối với người Thái, đan lát là công việc gắn liền với người đàn ông, còn phụ nữ quan tâm nhiều hơn đến việc trồng bông, chế biến sợi, dệt và thêu các hoa văn. Trước đây, người Thái trồng bông dệt vải, ngày nay họ mua vải để may vá, thêu, tạo ra các sản phẩm như: khăn, túi, áo, mũ… dùng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, để trao đổi, buôn bán. Hoạt động săn bắt, hái lượm đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của người Thái do trước đây cuộc sống của họ phụ thuộc vào thiên nhiên là chính. Nếu hái lượm là công việc chính của phụ nữ và trẻ em nhằm cung cấp thực phẩm như: rau, măng, rêu… cho các bữa ăn hàng ngày, săn bắn là công việc gắn liền với đàn ông, săn bắn không chỉ cung cấp thực phẩm cải thiện đời sống mà còn bảo vệ mùa màng. Ngày nay do nền kinh tế phát triển, rừng bị thu hẹp dần vai trò săn bắt ngày càng ít. Cho nên họ tự chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm vườn, trồng rau để đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm trong gia đình. Và hình thức trao đổi buôn bán cũng đang được xem là một hình thức phát triển của vùng Tây Bắc đó ạ. Trao đổi buôn bán là một hoạt động kinh tế quan trọng, cung cấp đầy đủ vật chất cho đời sống sinh hoạt mà còn giao lưu học hỏi những kinh nghiệm, tinh hoa văn hóa, tiến bộ của các dân tộc khác trong và ngoài vùng.
Trải qua một ngày dài tìm hiểu về dân tộc Thái thì chắc hẳn bây giờ đoàn nhà mình cũng đã thấm mệt và đói thì em xin phép được mời quý đoàn nhà mình trở lại xe và chúng ta di chuyển về nhà hàng mà bên em đã sắp xếp để em có thể cùng quý đoàn nhà mình tìm hiểu và thưởng thức những đặc sản của dân tộc này ạ. Thưa quý vị thì theo em được biết dân tộc Thái ở Việt Nam là những con người vô cùng khéo tay, tài hoa và thú vị. Họ không chỉ là nổi tiếng với tài canh tác nông nghiệp, nghề dệt thổ cẩm hay những áng thơ ca đặc sắc, người Thái khi vào bếp cũng là những nghệ sỹ đích thực. Những món ăn của dân tộc Thái ở Tây Bắc ngon và đẹp mắt không thua kém bất kỳ vùng miền nào trên khắp Việt Nam. Dưới đây là những đặc điểm chính của ẩm thực dân tộc Thái ở Việt Nam. Người Thái Việt Nam định cư chủ yếu ở khu vực miền núi Tây Bắc, các tỉnh như Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Nghệ An. Nhưng khác với người H’Mong hay sống ở những ngọn núi cao heo hút, người Thái chọn những thung lũng thấp, nơi có nguồn nước dồi dào và đất đai màu mỡ để canh tác. Dân tộc Thái cũng là những cư dân nông nghiệp có trình độ cao như người Kinh hay người Kh’mer. Thưa quý vị thì trước đây, nguồn thực phẩm chủ yếu trong bữa ăn hàng ngày và các dịp lễ, tết của người Thái thường là thịt rừng, cá sông và các loại rau, nấm, măng... được săn bắn, hái lượm ngoài tự nhiên. Dọc các sông lớn như sông Đà, sông Mã... người Thái thường bắt cá làm thực phẩm. Ngày nay, do tài nguyên rừng bị khai thác nhiều, các sông suối cũng bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường hay đập thủy điện, người Thái sử dụng nguồn cung thực phẩm nhờ trồng trọt, chăn nuôi là chủ yếu. Vì thế nguyên liệu cho món ăn của người Thái là sự kết hợp giữa sản phẩm nông nghiệp và các loại cây cỏ trong tự nhiên.
https://wondertour.vn/wp-content/uploads/2021/11/nom-rau-don-wondertour-300x188.png
Thưa quý vị, đối với mỗi dân tộc đều có những cách chế biến thực phẩm khác nhau. Khác với người Thái ở Thái Lan hay Lào, cách chế biến thực phẩm của người Thái Tây Bắc nhìn chung ít chịu ảnh hưởng của ẩm thực Ấn Độ do ít quan hệ giao lưu buôn bán. Ẩm thực dân tộc Thái Tây Bắc được đánh giá là nguyên bản và chịu ảnh hưởng ít nhiều của người Kinh hay Trung Quốc nhưng không rõ nét. Khi chế biến các món ăn, người Thái ít khi sử dụng tới dầu mỡ. Thay vào đó, người Thái chuộng phương pháp nướng khi chế biến thực phẩm. Các loại thịt gia súc, gia cầm, hay thuỷ sản đều có thể nướng. Thịt thái miếng, ướp gia vị, dùng xiên hoặc kẹp tre tươi đặt lên than hồng; hoặc thịt băm nhỏ, bóp nhuyễn với trứng, gói lá chuối, lá dong, kẹp lại, nướng trên than đỏ hoặc vùi tro nóng; khi chín, thịt rất thơm, ăn không ngán. Dân tộc Thái ưa cái hương vị đậm đà, giàu chất dinh dưỡng của món nướng. Món thịt trâu hoặc bò, cá, gà nướng được người Thái tẩm, ướp gia vị rất cầu kỳ. Gia vị để ướp là “mắc khén” (một loại tiêu rừng), ớt, tỏi, gừng, muối… Trước khi đem ướp với thịt, các gia vị cũng được nướng lên cho chín, tỏa mùi thơm. Và khác với người Kinh chúng ta chuộng món ăn có vị cân bằng giữa chua cay mặn ngọt, người Thái thích đẩy độ đậm đà của gia vị lên mức cao, kích thích vị giác đến mức tối đa. Màu sắc của món ăn cũng vô cùng sặc sỡ, tuy nhiên vẫn mang đặc điểm của núi rừng chứ không cầu kỳ về cắt tỉa như ẩm thực Huế hay Hà Nội.
[block id="tu-van-tour"]
Quý vị có thể thấy trên bàn ăn của mình là những món ăn chính trong bữa cơm truyền thống của người Thái đó ạ. Món ăn đầu tiên em muốn đề cập đến đó chính là cá ạ. Do ở gần nguồn cung cấp thủy sản dồi dào là sông Đà và các sông suối phụ lưu, cá sông, cá suối là thực phẩm chính của người Thái. Sản phẩm cá được người Thái chế biến ra nhiều món ăn khác nhau: cá hấp trong chõ gỗ, người Thái gọi là cá mọ; món “pa-giảng” là cá hun khói. Pa pỉnh tộp (cá suối nướng lật úp) là món ăn cổ truyền của người Thái. Đây là món ăn quý, rất được trân trọng. Món ăn thứ hai đó chính là món xôi nếp ạ. Xôi nếp là món ăn truyền thống của dân tộc Thái. Người Thái có phương pháp đồ xôi cách thuỷ bằng chõ gỗ rất khéo. Xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay. Xôi được đựng vào ép khẩu hoặc giỏ cơm đậy kín, ủ ấm, giữ cho cơm dẻo lâu. Ngoài ra người Thái còn chế biến cơ lam (cơm nướng trong ống tre) và xôi ngũ sắc để ăn trong các dịp lễ hội. Trong một bữa ăn nên có đủ các loại gia vị, có ngọt, có cay thì cũng nên có chua ạ. Nếu người Kinh chúng ta có món dưa chua thì người Thái có món măng chua để giảm độ ngấy khi ăn đồ nướng. Cách chế biến món măng của người Thái cũng thật đặc biệt và cầu kỳ. Để có được một bát nước cốt măng chua, họ sẽ ngâm măng vài ba năm để lọc lấy vị ngon lành, chua dịu nhất khi ăn cùng những món ăn khác.
https://wondertour.vn/wp-content/uploads/2021/11/am-thuc-tay-bac-wondertour-1024x563.jpg
Thưa quý vị đến với món ăn thứ tư cũng là món ăn có cái tên lạ nhất với quý đoàn nhà mình thì đây được gọi là món Chẳm-chéo được làm từ ớt, tỏi, muối và mắc khén. Để có một bát chẳm chéo thơm ngon, ớt phải được đem nướng lên cho giòn, thơm và có vị thật cay, đem trộn với tỏi, muối và mắc khén cho dậy mùi. Tỏi làm chẳm chéo cũng phải là loại tỏi Tây Bắc mới thơm đúng mùi, các loại tỏi khác khó có thể làm nên hương vị chẳm chéo chính gốc. Sau khi trộn 4 loại nguyên liệu với nhau, người ta đem giã nhỏ, vậy là đã có một bát chẳm chéo cơ bản. Từ loại chẳm chéo cơ bản, có thể làm ra nhiều loại chéo khác phù hợp với từng món ăn, làm nên hương vị đặc trung cho mỗi món.
https://wondertour.vn/wp-content/uploads/2021/11/cham-cheo-wondertour-1024x577.jpg
Để bữa ăn được trở nên trọn vẹn hơn thì quý vị khi dùng bữa không thể thiếu được các loại nước như là nước lọc, nước ngọt hay với các cánh đàn ông thì không thể thiếu những ly rượu nhâm nhi hay những cốc bia để giải khát đúng không ạ? Và với người Thái cũng vậy, rượu được xem là “nguyên bản” dùng men tự chế từ các loại lá, vỏ, rễ cây thuốc ủ với gạo nếp, nếp cẩm. Để có rượu ngon không chỉ cần thời gian ủ, mà tùy vào từng vùng sẽ có các bí quyết riêng trong việc chọn lá và cách ủ làm sao cho rượu có được mùi thơm, độ cay, vị thanh ngọt và đậm đà. Dạ thưa quý vị và để tránh lệ thuộc vào cá hay thịt thú rừng, người Thái cũng chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, vịt để phong phú nguồn cung cấp thực phẩm. Người Thái vẫn gìn giữ cách chăn nuôi cổ truyền như gà thả đồi, lợn thả rông và các giống gà, lợn cũ, năng suất thấp nhưng chất lượng thịt ngon. Thịt gia súc gia cầm cũng được nướng hay nấu canh cùng với các loại cây cỏ để giảm độ tanh và bật lên vị đậm đà khó cưỡng.
Bài thuyết minh nhiều nguồn tài liệu khác nhau, có thể tham khảo!
Để đăng ký tour Khám phá văn hóa các dân tộc tại đây
Hoặc liên hệ với Wondertour
 
Điện thoại: 02437722777, Hotline: 0931722777
Hướng dẫn viên: Nguyễn Thị Thu Ngân
 
Bài thuyết minh độc quyền trên Wondertour, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức

Đặt tour đoàn riêng

Thuyết minh dân tộc Thái

Người lớn

Trẻ em

Team building

Gala Dinner

Thông tin khách hàng

Bài viết liên quan

15 Dec 2021

Thuyết minh Cột Cờ Lũng Cú

Hà Giang là một trong những điểm du lịch vùng cao quyến rũ bậc nhất Việt Nam với vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, nét ngây thơ của trẻ...

17 Dec 2021

Thuyết minh tour Đà Nẵng

Được mệnh danh là ‘’thành phố đáng đến’’ với dòng sông Hàn thơ mộng với cây cầu Rồng biểu tượng của Thành phố biển du lịch Đà Nẵng - nơi mà quý khách có thể cảm nhận được sự pha trộn giữa khí hậu miền Bắc, miền Nam.Ngoài ra Đà Nẵng còn sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh làm say lòng người như: Bà Nà Hills, Bán Đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, phố cổ Hội An…. Tour du lịch Đà Nẵng sẽ đưa quý khách khám phá bãi biển được Forbes lựa chọn là bãi biển quyến rũ nhất hành tinh với bờ biển dài,làn nước trong xanh, không khí mát mẻ …Tham khảo kinh nghiệm du lịch Đà Nẵng và Đặt ngay tour Đà Nẵng của Wondertour để khám phá Đà Nẵng có gì mà lại luôn là điểm đến hấp dẫn như vậy.

11 Nov 2021

Thuyết minh: dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh

Chào mừng quý thầy cô đến với mảnh đất Hà Tĩnh. Lời đầu tiên cho phép em HDV xin gửi tới quý thầy cô lời kính chúc sức khỏe và lời chào thân thương nhất. em là Hoài Nam, hôm nay sẽ đồng hành cùng đoàn nhà mình trong buổi...

icon5

Đăng ký tư vấn

Chúng tôi rất vui lòng được hổ trợ và giải đáp những vấn đề của bạn

Thông tin yêu cầu bắt buuộc
Thông tin yêu cầu bắt buuộc
Thông tin yêu cầu bắt buuộc