Dạ vâng em HDV Hảo An xin mến chào cả đoàn nhà mình, chúc cho đoàn mình thật nhiều sức khoẻ, tràn đầy niềm vui hạnh phúc và đặc biệt là có một ngày trải nghiệm thật ý nghĩa. Hôm nay em HDV Hảo An rất vui và vinh dự khi được đồng hành cùng cả nhà mình, trong chuyến đi đến mảnh đất thân thương Bình Định.
Em về Bình Định thân thương
Quê người tình đó, chỉ đường nha anh!
Bồng Sơn ngát bóng dừa xanh
Tây Sơn đất võ nặng tình bấy lâu
Vâng thưa quý đoàn, mảnh đất nghĩa tình đã sinh ra các địa linh nhân kiệt, đó chính là ba anh em Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Gắn liền với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, của triều đại Tây Sơn cuối thế kỉ XVIII.[block id="tu-van-tour"]
Hiện nay có Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, Bến Trường Trầu cùng Bảo tàng Quang Trung và nhiều các di tích khác. Có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hoá, khoa học nghệ thuật. Vậy hôm nay đoàn mình cùng Hảo An cùng nhau đi tìm hiểu về Tây Sơn theo dòng chảy của lịch sử nhé.
Khi kết thúc Nam Bắc triều năm 1533-1592, Trịnh – Nguyễn phân tranh đàng trong đàng ngoài, thì anh em nhà Tây Sơn thành lập. Trong lịch sử Việt Nam, triều đại Tây Sơn tồn tại trong một thời gian tương đối ngắn, nếu tính từ khi nhà Tây Sơn khởi nghĩa chống chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong năm 1771, đến thời điểm kết thúc vào năm 1801, nhà Tây Sơn chỉ hiện hữu trong 30 năm. Nhưng chính sử ghi nhận triều đại này chỉ thực sự bắt đầu từ năm 1788, khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế ở Phú Xuân, đến năm 1801, lúc triều đình Cảnh Thịnh rút khỏi đây để chạy ra đất Bắc, nghĩa là trong vòng 14 năm. Tuy tồn tại ngắn ngủi nhưng triều đại này đã để lại một sự nghiệp sáng ngời trong lịch sử dân tộc. Nguyễn Huệ (Quang Trung) đại phá quân Thanh, lật đổ ba tập đoàn phong kiến thống nhất đất nước.
[block id="tu-van-tour"]
Quần thể Bảo tàng Quang Trung – Điện thờ Tây Sơn là khu Bảo tàng Danh nhân lớn nhất cũng là một trong những bảo tàng thu hút lượng khách đến tham quan du lịch học tập nhiều trên đất nước ta hiện nay. Quần thể bảo tàng Quang Trung gồm có các di tích :
Tây Sơn điện:
Tây Sơn Điện được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XIX để bí mật thờ ba anh em Tây Sơn. Trước đây thuộc Đình ở làng Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn - nay là khối 1, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.Làng Kiên Mỹ là quê hương thứ hai của dòng họ Nguyễn Tây Sơn ở Đàng Trong. Từ khi về đây, cụ Cụ Hồ Phi Phúc đã góp công sức cùng nhân dân địa phương tạo dựng làng Kiên Mỹ thành làng chuyên làm nghề thủ công truyền thống kết hợp làm nông và buôn bán mà đời sông nhân dân trở nên trù phú. Nghề buôn bán trầu cau ở đây rất thuận tiện, có bến trường trầu bên bờ sông Kôn - nơi tiếp nhận trầu cau từ Tây Sơn thượng đạo chuyển về. Nguyễn Nhạc sau này có thời gian nối nghiệp cha làm nghề buôn bán trầu cau nên nhân dân thường gọi là anh Hai Trầu. Ông từng giao lưu buôn bán khắp miền xuôi, miền ngược trên dòng sông Kôn. Nhờ vậy, Nguyễn Nhạc có điều kiện chiêu hiền, đãi sĩ và khởi xướng phong trào khời nghĩa nông dân ở vùng Tây Sơn thượng đạo.
[block id="tu-van-tour"]
Làng Kiên Mỹ cũng là nơi hội tụ các nghĩa sĩ và là căn cứ đầu tiên của phong trào nông dân ở vùng Tây Sơn hạ đạo. Dưới sự lãnh đạo của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ; đặc biệt là Quang Trung - Nguyễn Huệ đã đưa phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn trở thành phong trào giải phóng dân tộc, đánh đuổi 5 vạn quân Xiêm và 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Sau khi nhà Tây Sơn mất, thể hiện niềm tri ân đối với người có công với nước. năm Minh Mệnh thứ 3 (1823), nhân dân địa phương đã góp công, của xây dựng ngôi đình làng trên nền nhà cũ của ông bà Hồ Phi Phúc để bí mật thờ ba anh em nhà Tây Sơn, lấy tên là đình Kiên Mỹ. Ngôi đình nằm trong khu vườn với diện tích 2.323m2 , bên cạnh còn giếng nước và cây me do cụ Hồ Phi Phúc nuôi trồng và tạo dựng nên. Ban đầu, Đình được xây dựng với kiến trúc theo kiểu nhà mái lá miền Trung, có diện tích trên 100m2, có tiền đường, hậu tẩm, chất liệu bằng gỗ, mái lợp tranh, vách đất, có trính cấu, cột lỏng đở các vì kèo đầu chạm long, phụng, cửa bàn pha, các cây cột ví von: "Hạc chợ đình, cột đình Kiên Mỹ". Sắc phong thành hoàng của triều Nguyễn không thờ ở đây mà đem thờ ở miếu Vĩnh An thuộc xóm Hưng Trung. Như vậy, đình Kiên Mỹ xưa thờ thành hoàng là danh nghĩa, còn thực chất là thờ ba anh em nhà Tây Sơn. Nội thất đình được bài trí theo nghi thức đình làng ở miền Trung. Nhà tiền đường thờ Thành hoàng, nhà hậu tẩm thờ Tây Sơn tam kiệt. Đình thường tổ chức cúng kỵ vào rằm tháng 11 âm lịch, nhân tết cơm mới hàng năm để giỗ ba anh em nhà Tây Sơn.Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đình đã bị đốt cháy. Sau đó, nhân dân lập miếu nhỏ dưới góc cây me để thờ ba anh em nhà Tây Sơn. Cây me cổ thụ đã đi vào tâm thức dân gian với lòng tri ân nhà Tây Sơn sâu nặng:Cây me, giếng nước, sân đình/ Ơn sâu, nghĩa nặng dân mình còn ghi.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước tạm thời chia cắt, nhân dân quận Bình Khê (Tây Sơn) lại góp công, của xây dựng lại ngôi đình ngay trên nền cũ, chính thức lấy tên là Tây Sơn Điện vào năm 1958. Từ đó, việc thờ cúng ba anh em nhà Tây Sơn và lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc hồi Đống Đa hàng năm được tổ chức công khai.
Điện thờ Tam kiệt trong quần thể khu di tích Bảo tàng Quang Trung:
Tây sơn Điện được kiến trúc theo kiểu chữ đinh, móng xây đá chẻ, vách xây gạch đặc, mái lợp ngói đúc bằng xi măng, diện tích trên 100m2. Điện thờ chính có 3 gian, chính giữa thờ Quang Trung Hoàng đế - Nguyễn Huệ. Bên phải thờ Thái Đức Hoàng đế - Nguyễn Nhạc, bên trái thờ Đông Định Vương - Nguyễn Lữ. Tả, hữu điện thờ các quan văn võ và tiên tổ dòng họ nhà Tây Sơn.
Điện thờ:
Tất cả đều có án thờ và trang trí theo kiểu cung đình ở miền Trung, hai đầu hồi có giá chiêng, trống để phục vụ tế lễ. Từ điện chính có nhà dẫn dài 6m, rộng 3m, trước nhà tứ giác, hai bên có hai hàng cột tròn trang trí hoa văn rồng mây quấn quanh cột, được đính bằng mẻ chai, chén vỡ đủ màu sắc rất uy nghi. Nhà tứ giác mái công, góc mai trang trí những hoa lá mái rồng, trên chóp có hồ lô thể hiện bầu thánh cứu an dân lành, trong nhà tứ giác có tượng bán thân Hoàng đế Quang Trung bằng gốm, cao 0,6m, sơn đen đặt trên bục cao 1 m, trước nhà dẫn có nhà bia hình tứ giác, bên trong đặt một tấm bia xi măng tráng đá mài xanh, nội dung văn bia ca ngợi thân thế sự nghiệp của ba anh em Tây Sơn. Lễ giỗ ba anh em nhà Tây Sơn vào rằm tháng 11 âm lịch gọi là kỵ hiệp và ngày giỗ trận kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vào ngày mùng 5 tết. Tế lễ được tổ chức trang nghiêm và có đọc văn tế.
Sau chiến thắng lịch sử 1975, tỉnh Bình Định đã xây dựng Bảo tàng Quang Trung bên cạnh khu di tích Điện thờ. Từ đó, Tây Sơn Điện được giao cho Bảo tàng Quang Trung trực tiếp quản lý. Hằng năm, Bảo tàng phối hợp cùng chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện các nghi thức cúng kỵ. Trong thời gian quản lý, Bảo tàng đã nhiều lần tu bổ Điện thờ nhưng không tránh khỏi sự xuống cấp vì Điện thờ xuống cấp không đủ điều kiện cho hàng vạn du khách về đây thăm viếng, tưởng niệm trong các ngày lễ, tết. Năm 1998, nhân dân đã quyên góp tiền của để xây dựng lại Điện thờ. Công trình được khởi công vào tháng 4/1998 và hoàn thành vào cuối năm, kịp phục vụ Lễ kỷ niệm 210 năm năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (năm Kỷ Mão 1999). Điện thờ xây dựng lại với kiến trúc cổ, khá quy mô và hoành tráng, điện tích lớn gấp 3 lần so với Điện thờ cũ. Trên nóc Điện được trang trí "Lưỡng long chầu nguyệt". Trên đầu cửa chính có dòng chữ "Tây Sơn Điện", hai bên cửa chính có câu đối viết bằng chữ Hán:
“Tây khê thảo thụ lưu huân nghiệp /Nam quốc sơn hà chấn chiến công”.
Nghĩa là: Cây cỏ ở suối Tây còn lưu lại sự nghiệp cao cả / Sông núi nước Nam chấn động những chiến công.Trước chính điện có nhà dẫn như điện thờ cũ, trước nhà dẫn có 1 tấm bia đá granite màu đỏ, ghi tóm tắt nội dung lịch sử điện thờ.
[block id="tu-van-tour"]
Di tích giếng nước được xây nhà che hình lục giác đổ bê tông mái dan ngói vảy, cây me cổ thụ được tu bổ xây quây lại. Nội thất được trang trí theo nghi thức cũ, các án thờ được làm từ gỗ quý, chạm trổ công phu. Án tiền điện là án công đồng, thờ chung các vị trong điện và tiên tổ dòng họ nhà Tây Sơn. Án hậu điện, chính giữa thờ Quang Trung Hoàng đế - Nguyễn Huệ, phía bên thờ Thái đức Hoàng đế - Nguyễn Nhạc, Phía bên trái thờ Đông Định Vương - Nguyễn Lữ. Hai bên điện thờ các văn, võ tướng Tây Sơn. Khi điện thờ mới xây dựng xong chỉ bài trí các án thờ, đến 2004 được đưa vào 9 tượng thờ bằng gốm sứ dát vàng gồm tượng ba anh em nhà Tây Sơn và sáu văn võ tướng tiêu biểu là: Thượng thư bộ binh Ngô Thì Nhậm, Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ, Đại tư mã Ngô Văn Sở, Thiếu phó Trần Quang Diệu, Đô đốc Bùi Thị Xuân, Đại tư đồ Võ Văn Dũng. Mỗi tượng được đặt trên một bệ bê tông ốp đá granite màu đỏ cao 1m, trước tượng là án thờ. Trên án bài trí tam sơn, đèn, đài, hạc và bát nhang bằng đồng. Phía trên đầu cột là bức hoành phi bằng gỗ sơn son thếp vàng, trước án thờ Quang Trung Hoàng đế - long chầu nguyệt, trước án thờ Thái đức Hoàng đế - Nguyễn Nhạc và án thờ Đông Định Vương - Nguyễn Lữ trang trí họa tiết hoa lá hóa rồng.
Cổng Đài Kính Thiên, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn:
Hiện nay, ngoài ngày hiệp kỵ (giỗ) Tây Sơn (15/11 âm lịch), ngày kỷ niệm Chiến thắng Đống Đa (mùng 5 tháng giêng âm lịch), còn có ngày kỵ Quang Trung Hoàng đế (29/7 âm lịch). Trong các ngày này, Bảo tàng Quang Trung cùng ban nghi lễ điện thờ long trọng tổ chức cúng kỵ theo nghi thức truyền thống. Nhân dân trong và ngoài tỉnh tập trung về dự Hội rất đông và thăm viếng điện thờ, cây me cổ thụ, giếng nước gia đình Tây Sơn như trở về cội nguồn, về nơi địa linh nhân kiệt để thắp hương tưởng niệm, tri ân những người đã có công với đất nước với dân tộc. Điện Tây Sơn dù đã trải qua bao năm tháng nhưng vẫn được nhân dân địa phương bảo tồn và phát huy giá trị nhằm thỏa mãn đời sống tâm linh của mọi người. Điện Tây Sơn đã được Bộ VHTTDL công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Di tích Bến sông Trường Trầu, cây me, giếng nước cổ :
Ai đến với Phú Phong, nhẹ bước trên cầu Kiên Mỹ bắc qua con sông Kôn nổi tiếng để đến với Bảo tàng Quang Trung, cũng có thể cảm nhận được linh khí núi sông của vùng đất từng sinh ra những anh hùng áo vải Tây Sơn. Không phải ngẫu nhiên Bảo tàng Quang Trung bắt đầu từ bến Trường Trầu bên dòng sông Kôn và kết thúc ở Điện thờ Tây Sơn tam kiệt. Càng xúc động hơn khi được đứng dưới bóng me cổ thụ từng che mát anh em Nguyễn Huệ giờ vẫn xanh um và được uống những ngụm nước ngọt mát, trong vắt, kéo lên từ cái giếng cổ của gia đình Nguyễn Huệ.Giếng nước được ghép bằng đá ong, (không xây bằng vữa hồ) là nguồn nước nuôi dưỡng ba anh em nhà Tây Sơn trưởng thành.
Càng xúc động hơn khi được đứng dưới bóng me cổ thụ từng che mát anh em Nguyễn Huệ giờ vẫn xanh um và được uống những ngụm nước ngọt mát, trong vắt, kéo lên từ cái giếng cổ của gia đình Nguyễn Huệ.Giếng nước được ghép bằng đá ong, (không xây bằng vữa hồ) là nguồn nước nuôi dưỡng ba anh em nhà Tây Sơn trưởng thành.
Cây me cổ thụ trong di tích:
Cây me là nơi Nguyễn Nhạc họp bàn việc nước với các nghĩa sĩ và cũng là nơi nhân dân bí mật thờ ba anh em nhà Tây Sơn sau những năm đình bị đốt cháy. Cây Me ở Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn được công nhận là cây Di sản Việt Nam vào ngày 28 -11- 2011. Đây là cổ thụ Bình Định đầu tiên được công nhận Cây Di sản, ngoài giá trị lâu năm, cảnh quan, cây me này có ý nghĩa đặc biệt về mặt văn hóa, lịch sử; được xem là biểu tượng cho sức sống, sự trường tồn của phong trào Tây Sơn trong lòng dân tộc.
Bảo tàng Quang Trung:
Với 11.057 tư liệu hiện vật gốc và hàng trăm hiện vật phục chế về Nhà Tây Sơn, Bảo tàng Quang Trung được coi đang sở hữu một kho tư liệu, hiện vật giàu có, phong phú nhất về một thời đại lừng lẫy và vị vua kiệt xuất nhất, được yêu mến trong lịch sử dân tộc. Đây là thành quả một quá trình nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, nhân viên Bảo tàng trong mấy chục năm qua, kể từ ngày thành lập 1977. Bước chân của họ đã đi khắp đất nước, ra cả nước ngoài để tập hợp về đây tất cả những tư liệu hiện vật liên quan đến phong trào Tây Sơn và vua Quang Trung. Ta có thể gặp những báu vật như chiếc trống da voi của đồng bào Tây Nguyên tham gia phong trào Tây Sơn, ấn tín, các sắc phong, gia phả của nhiều văn thần, võ tướng; chuông đồng, súng thần công, ấn tín, tiền đồng Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh, tấm bia mộ tổ dòng họ Tây Sơn…Nhiều hiện vật trong số này được nhân dân Bình Định và nhiều địa phương trong cả nước lưu giữ tặng lại bảo tàng. Cũng có một số hiện vật được Đại sứ quán các nước tặng lại Bảo tàng. Tuy vậy, thật xúc động là đến thăm Bảo tàng, ta sẽ được đứng trong đúng mảnh đất từng là nơi dựng nghiệp của Triều Tây Sơn. Chúng ta được tận mắt thấy di tích bến Trường Trầu lặng lẽ giấu mình sau lùm tre bên bờ sông Kôn mênh mông cuộn nước, cái bến sông mà nhờ nghề buôn trầu lên nguồn xuống biển, Nguyễn Nhạc đã thu phục nhân tâm, tập hợp lực lượng nhân dân Kinh - Thượng, mưu nghiệp lớn.
Một không gian trưng bày của Bảo tàng Quang Trung.
Tại Bảo tàng Quang Trung còn có hai hiện vật đặc biệt ấn tượng đó là: Võ thuật và trống trận Quang Trung. Đây cũng chính là hai di sản phi vật thể lớn của Nhà Tây Sơn. Ba anh em Tây Sơn là những người có vai trò rất to lớn khai sáng, phát triển, hoàn thiện các võ phái Bình Định, cải cách nâng cao các bài quyền, bài binh khí để truyền dạy cho nghĩa quân. Tương truyền, Nguyễn Huệ sáng tạo Yến phi quyền, Độc lư thương, Nguyễn Lữ sáng tạo Hùng kê quyền, được coi là những độc chiêu của võ thuật Binh Định. Cũng chính Nguyễn Huệ đã chủ trương hình thức đưa nhạc trống vào khích lệ ba quân chiến đấu, còn truyền lại ngày nay với tên gọi trống trận Quang Trung. Do vậy, nhà biểu diễn võ, nhạc và đội biểu diễn nhạc, võ đã trở thành một phần không thể thiếu của Bảo tàng Quang Trung. Các buổi biểu diễn nhạc, võ bao giờ cũng là một final bất ngờ và kỳ thú với du khách. Tại đấy, người ta sẽ khám phá ra ở cái xứ được gọi là đất võ trời văn này, nhạc và võ chỉ là một, trong nhạc có võ, võ cũng đầy chất nhạc, những người biểu diễn quyền cước, binh khí và kèn trống kia khó phân biệt ai là nghệ sĩ còn ai là võ sĩ. Chỉ có thể gọi họ bằng một cái tên: những nghệ sĩ –võ sĩ. Những người này đã giúp ta hiểu: võ thuật ở tầm cao và chiều sâu của nó, chính là văn hóa là nghệ thuật, và nghệ thuật, văn hóa có thể và cần phải song hành.
[block id="tu-van-tour"]
Bà Võ Thị Thuận, nghệ sĩ biểu diễn trống trận Quang Trung sẽ làm rung động lòng người với dàn trống trận 12 chiếc tại Bảo tàng Quang Trung và nhiều nơi trong và ngoài nước. Bà là người nối nghiệp của một gia đình từng 9 đời đánh trống trận Tây Sơn.
Thăm khu nhà trưng bày hơn 11.000 tư liệu, hiện vật gốc và hàng trăm hiện vật phục chế của Triều đại Tây Sơn của Bảo tàng Quang Trung, du khách sẽ hiểu hơn về một thời đại lừng lẫy của Hoàng Đế Quang Trung- Nguyễn Huệ trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nhiều hiện vật gốc được giữ gìn nguyên vẹn như chiếc trống da voi của đồng bào Tây Nguyên tham gia phong trào Tây Sơn, ấn tín, các sắc phong, gia phả của nhiều văn thần, võ tướng; chuông đồng, súng thần công, ấn tín, tiền đồng Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh, tấm bia mộ tổ dòng họ Tây Sơn…
Hằng năm vào ngày mùng 4 và mùng 5 Tết âm lịch, người dân Bình Định và du khách gần xa lại náo nức du xuân tại Bảo tàng Quang Trung, tưởng nhớ công tích lẫy lừng của các thủ lĩnh phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, đánh thắng 29 vạn quân Thanh xâm lược.
[block id="tu-van-tour"]
Vậy tại sao lại lấy ngày 4-5 Tết âm lịch vừa tưởng nhớ vua Quang Trung- Nguyễn Huệ , và vừa làm ngày kỷ niệm chiến thắng quân Thanh?
Khác với lệ thường, dân tộc Việt không lấy ngày băng hà của vua Quang Trung làm ngày kỷ niệm, nhưng lại chọn ngày “Giỗ Trận Đống Đa”. Có hai lý do:
Thứ nhất, lịch sử cận đại triều Nguyễn coi vua Quang Trung Tây Sơn là “Nguỵ”, nên không cho phép ai được chính thức làm lễ kỷ niệm Ngài.
Thứ hai, ngày “Giỗ Trận Đống Đa” ban đầu chỉ là lễ giỗ những vong hồn người Thanh chết nơi đất lạ, xa nhà. Lễ này được người Hoa tán thành, vua quan nhà Nguyễn cũng không có lý do gì để cấm đoán.
Vì liên hệ giữa những cái chết của quân Tàu với chiến thắng lừng danh của vua Quang Trung, nên sau này ai cũng công nhận ngày “Giỗ Trận Đống Đa” là ngày kỷ niệm vua Quang Trung.
Bảo tàng Quang Trung không chỉ là một Di tích lịch sử mà còn là một điểm du lịch hấp dẫn của Bình Định. Đến đây, du khách như được ngược dòng lịch sử để sống với tinh thần thượng võ, anh hùng, nghĩa hiệp, ý chí đấu tranh kiên cường qua lịch sử oai hùng của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và những chiến công lừng lẫy của Quang Trung- Nguyễn.
Bài thuyết minh nhiều nguồn tài liệu khác nhau, có thể tham khảo!
[block id="tu-van-tour"]
3.Đăng ký tour
Để đăng ký tour Bình Định tại đây
Hoặc liên hệ với Wondertour
Điện thoại: 02437722777, Hotline: 0931722777
Hướng dẫn viên: Hảo An Số điện thoại: 0931722777 Bài thuyết minh độc quyền trên Wondertour, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức |