1.Tóm tắt chương trình tour
Thời gian | Nội dung | |
Ngày 1 | 6.00 | Đón khách tại nhà hát lớn Hà Nội, tham quan làng nghề bánh chưng bờ đậu, huyện đại từ và đền Đuổm |
11.30 | Ăn trưa và check in khách sạn | |
14.00 | Tham quan hồ Ba Bể, đền An Mã, đảo Bà Góa, động Puông | |
18.30 | Ăn tại nhà hàng: Gà đồi, cá nướng, lợn cắp nách. Nghỉ ngơi tại khách sạn Thái Bình | |
Ngày 2 | 5.30 | Khởi hành đi Cao Bằng, ăn sáng trên đường đi |
11.30 | Ăn trưa tại nhà hàng Sài Gòn Bản Giốc, tham quan Thác Bản Giốc, chùa phật tích trúc lâm bản giốc, động Ngườm Ngao | |
15.00 | Ăn tối tại Cao Bằng, nghỉ ngơi tại khách sạn Thành Loan | |
Ngày 3 | 6.00 | Ăn sáng tại khách sạn và check out, tham quan khu di tích Pác Pó |
12.00 | Ăn trưa tại Cao Bằng và khởi hành về Hà Nội | |
19.00 | Chào tạm biệt quý khách và kết thúc tour |
Thưa quý đoàn thân mến, vậy là chuyến xe mang biển số 29B-1234 vừa rời xa Hà Nội để đến với mảnh đất Thái Nguyên. Không biết là ở phía cuối xe, sau khi xe đã di chuyển thì có ai cảm thấy mệt mỏi không ạ? Dạ nếu có ai mệt mỏi và đau đầu quá thì chúng ta có thể di chuyển lên trên đầu xe để thương lượng với những người ngồi trên đầu để chúng ta có thể đổi vị trí cho nhau cho đỡ mệt mỏi ạ. Dạ vâng và sau đây em xin được giới thiệu sơ qua về tỉnh Thái Nguyên. Thái Nguyên là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam mới tái lập vào ngày 1/1/1997, tách biệt tỉnh Bắc Thái thành 2 tỉnh đó là tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên ngày nay ạ. Kính thưa quý đoàn thì đối với mỗi tỉnh thì tên gọi không đơn thuần chỉ là mỗi cái tên đâu ạ, với mỗi tên gọi mỗi tỉnh thì chúng đều mang một ý nghĩa riêng đấy ạ. Thái Nguyên thì Thái ở đây có nghĩa là rộng lớn, to lớn còn Nguyên chính là cánh đồng bằng phẳng và rộng rãi. Phải chăng những người dân ở Thái Nguyên đã đặt niềm tin hy vọng và sự tin yêu của mình cho quê hương mình sẽ là một tỉnh giàu đẹp và rộng rãi. Quả đúng như vậy, Thái Nguyên mặc dù là một tỉnh mới được tái lập và là một tỉnh nằm trong vùng được xem là một vùng có nhiều khó khăn nhất của nước ta. Tuy nhiên thì Thái Nguyên vào những năm gần đây đang có sự phát triển vượt bậc về cả kinh tế, chính trị, xã hội và giáo dục. Và như đoạn đường chúng ta vừa đi qua ấy ạ, quý vị có thể nhìn ra 2 bên cửa sổ chỗ mình thì có rất nhiều nhà máy, xí nghiệp đúng không ạ? Nổi tiếng như là nhà máy gang thép Thái Nguyên hay là nhà máy Samsung Thái Nguyên – một trong những nhà máy lớn nhất Đông Nam Á. Ngoài ra thì Thái Nguyên còn là nơi đào tạo nhân lực lớn thứ 3 cả nước chỉ sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thôi ạ. Đến với Thái Nguyên thì chúng ta không thể bỏ qua những điểm đến nổi tiếng như hồ núi cốc là một hồ nước nhân tạo với diện tích mặt hồ lên đến 25 km2 gồm 69 đảo lớn nhỏ nằm cách trung tâm thành phố 20km gần dãy núi Tam Đảo. Đây là 1 điểm du lịch đang rất là hấp dẫn du khách trong cũng như là ngoài nước tới tham quan và nghỉ dưỡng. Ngoài ra trong chuyến hành trình đến Thái Nguyên của đoàn nhà mình thì chúng ta còn đi tham quan đền Đuổm, làng nghề bánh chưng bờ đậu, và còn có 27/7 huyện Đại Từ, nơi ngày trước mà Bác Hồ chọn là nơi làm việc và bây giờ đã trở thành ngày thương binh liệt sỹ rồi ấy ạ. Đặc biệt là khi tới Thái Nguyên chúng ta không thể bỏ lỡ đồi chè Tân Cương ạ, một nơi mà được thiên nhiên khá là ưu ái ban tặng cho một nguồn nước rất là trong xanh, không khí trong lành thoáng mát, ở đây chúng ta có thể quên đi những bộn bề cuộc sống, hòa mình vào thiên nhiên và cả vào màu xanh mướt của đồi chè, rất là tuyệt vời phải không ạ? Dạ cho em hỏi thì trên xe mình đã có ai được thưởng thức những đặc sản của Thái Nguyên chưa ạ? Em vừa mới nghe một vị khách vừa nhắc tới chè phải không ạ? Và người ta có câu: “Chè Thái, gái Tuyên Quang thì xinh đẹp tuyệt vời” còn chè Thái Nguyên thì ai đã uống rồi thì quả thực là không muốn bỏ qua lần thứ 2, chè Thái Nguyên mang một hương vị rất đặc trưng, thơm ngon khác hẳn với các loại chè khác ạ. Đến hôm nay thì chè Thái Nguyên không chỉ mang tầm vóc của 1 quốc gia mà còn mang tầm vóc của 1 thế giới. Khi mang được thương hiệu của mình ra thế giới thì có rất nhiều bạn bè tin tưởng và yêu quý. Tiện trên xe đây thì em có một ít chè Thái Nguyên đây ạ, sau khi ăn trưa xong đoàn nhà mình sẽ cùng ngồi lại với nhau thưởng thức vị chè Tân Cương này cùng với em được không ạ? Ngoài ra thì Thái Nguyên còn có một số đặc sản khác như là bánh chưng bờ đậu, xôi ngũ sắc mà các đồng bào dân tộc ở đây đã tạo ra cho chúng ta những cảm giác rất là riêng biệt và thơm ngon ạ. Và vừa rồi em và quý đoàn đã khai quát qua một lượt về tỉnh Thái Nguyên rồi ạ. Và chúng ta đang trên đường đến tham quan đền Đuổm, trên đoạn đường này có làng nghề bánh chưng bờ đậu và di tích 27/7, bác tài sẽ đưa đoàn nhà mình vào trong để tham quan trước khi đến với Đền Đuổm ạ.
Thưa quý đoàn thân mến, đi đến Thái Nguyên thì như chúng ta đã biết đây là một tỉnh mà đã sản sinh ra một loại chè vô cùng nổi tiếng mang tên chè Tân Cương. Nhưng ở đây không chỉ là vùng đất nổi tiếng với đặc sản chè Tân Cương thơm ngon, mà vùng đất này còn có một sản vật nức tiếng khắp cả nước đó là bánh chưng Bờ Đậu.
Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu có vị trí thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 8km. Điểm làm bánh chưng tấp nập nhất là ngã ba Bờ Đậu, đây được coi là nơi trung chuyển nối tuyến quốc lộ 3 và 37 với trục đường Tuyên Quang - Lào Cai, Điện Biên, Bắc Kạn, Yên Bái… đó ạ!
Theo lời người dân nơi đây, tổ nghề của món bánh chưng này chính là cụ bà Nguyễn Thị Xuân. Cụ Xuân hay còn gọi là cụ Đấng là người của xã Cổ Lũng. Từ những năm 1960, cụ Đấng sinh sống bằng nghề làm bánh chưng ở xóm Bò Đậu. Nhờ tay nghề điêu luyện, những chiếc bánh chưng của cụ Đấng rất ngon khiến khách hàng ăn một lần mà nhớ mãi. Tiếng thơm đồn xa, ngày càng nhiều người nghe truyền tai tìm đến để mua, thương hiệu bánh chưng Bờ Đậu cứ thế lan xa. Đến khi tuổi cao, cụ Đấng truyền lại nghề cho con cháu. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ bánh chưng Bờ Đậu khá cao, nhiều người trong làng cũng bắt đầu gói, bánh chưng bán cho khách phương xa. Nghề làm bánh chưng Bờ Đậu được nhân rộng khắp vùng. Cùng với thời gian, bánh chưng Bờ Đậu đã khẳng định được thương hiệu và trở thành 1 trong 5 làng bánh chưng nổi tiếng nhất miền Bắc. Tiếng thơm của bánh chưng Bờ Đậu đã lan tỏa trên khắp mọi miền đất nước. Những ngày cận tết, du khách từ khắp các tỉnh tìm về đây để đặt bánh làm quà biếu.
Bí quyết tạo nên sự khác biệt của bánh chưng Bờ Đậu. Nhìn chiếc bánh chưng Bờ Đậu thơm ngon như vậy chắc hẳn mọi người sẽ nghĩ tới công đoạn làm nên chiếc bánh chưng Bờ Đậu này nó như thế nào phải không ạ? Bánh chưng Bờ Đậu có nhiều nét độc đáo, gói gọn tinh hoa của đất trời, tâm huyết của người làm trong từng chiếc bánh chưng vuông thành sắc cạnh.
Đặc điểm đầu tiên khiến mỗi du khách đến được tận mắt chứng kiến quá trình làm bánh là chiếc bánh chưng Bờ Đậu của Thái Nguyên không hề sử dụng khuôn mà chỉ dùng tay để gói. Đó được xem là một trong những kỹ nghệ riêng biệt chỉ có ở làng Bờ Đậu, mà không nơi nào có thể học hỏi được. Theo những người làng nghề, việc gói bánh chưng bằng tay giúp họ có thể điều chỉnh chiếc bánh thật chặt, vuông đều 8 cạnh bằng nhau. Chính vì thế người đời xưa có câu: “Trăm hay không bằng tay quen”, những người làm bánh chưng Bờ Đậu đầy kinh nghiệm luôn cho ra ”lò” những chiếc bánh chưng đẹp mắt, đều nhau tăm tắp. Bánh cho vào luộc không bị méo mó, hay căng phồng, nứt vỡ mà chiếc nào cũng vuông thành sắc cạnh. Để có được những chiếc bánh chưng Bờ Đậu thơm ngon nức tiếng như ngày nay thì khâu chọn nguyên liệu và sơ chế nguyên liệu chắc chắn là một công đoạn hết sức quan trọng. Cũng vẫn là gạo nếp, đỗ xanh, thịt ba chỉ nhưng dưới bàn tay của người dân Sơn Cẩm, Cổ Lũng, thì bánh chưng Bờ Đậu khi mới ra lò sẽ có một hương vị đặc biệt không thể lẫn với nơi nào. Chính điều này đã tạo nên sự độc đáo và cuốn hút rất riêng cho món ăn này.
Kính thưa quý đoàn thân mến, làm bánh chưng dù ở bất kì tỉnh nào cũng thế, gạo nếp là một nguyên liệu không thể thiếu trong quá trình tạo ra những chiếc bánh chưng. Vậy cho em hỏi thì ở đây có quý vị nào biết bánh chưng Bờ Đậu chọn nguyên liệu gạo nếp được lấy từ đâu không ạ? Dạ em vừa nghe thấy có một vị khách nào nói lấy ở trên núi. Thì em xin phép trả lời ạ, nguyên liệu gạo nếp để làm ra chiếc bánh chưng là loại gạo nếp được lấy từ đặc sản của núi rừng Định Hóa, là một thứ gạo dẻo và đặc biệt rất thơm. Sau khi đã loại bỏ hết những hạt gạo có đầu đen hay lẫn một chút gạo tẻ, người dân Thái Nguyên sẽ tiến hành vo gạo và ngâm gạo trong khoảng vài tiếng đồng hồ để cho hạt gạo được nở ra. Sau đó để ráo nước và cho thêm chút muối để bánh thêm hương vị đậm đà.
Chúng ta đều là những người con của thủ đô Hà Nội và cứ mỗi dịp xuân về thì nhà nhà người người gói bánh chưng để đón Tết. Chắc hẳn quý vị ai cũng biết loại lá mà quê hương mình hay dùng là loại lá gì đúng không ạ? Dạ vâng đúng rồi ạ, đó là lá dong, lá dong mà để gói bánh chưng thì là ngon nhất rồi ạ, tuy nhiên còn có một số tỉnh không có lá dong thì hay dùng lá chuối để gói bánh chưng, không sao cả nhưng hương vị của bánh chưng khi luộc xong sẽ có hương vị khác một chút so với việc chúng ta chọn lá dong để gói bánh ạ. Và người dân Thái Nguyên cũng vậy, họ cũng chọn lá dong là nguyên liệu tiếp theo để chiếc bánh chưng Bờ Đậu của họ mang một hương vị đặc biệt của vùng Đông Bắc ạ. Điều khác biệt ở chiếc lá dong của người dân tỉnh Thái Nguyên chọn là loại lá dong dùng để gói bánh chưng Bờ Đậu phải là loại lá dong nếp dày và có bản rộng. Đặc biệt là lá phải có màu xanh mướt thì gói bánh mới xanh và có màu bên ngoài đẹp mắt hơn. Người dân nơi đây phải chặt lá dong tại khu rừng Na Rì đem về rửa sạch và sau đó để cho ráo nước. Tiếp đến là công đoạn lau khô bằng khăn sạch và tước vợi cuống lá, chặt bớt phần ngọn lá và xếp gọn gàng để chuẩn bị gói. Tiếp theo là lạt dùng để gói bánh chưng Bờ Đậu phải là loại lạt được chẻ từ cây giang của vùng núi Thái Nguyên.
Nguyên liệu tiếp thep góp mặt vào quá trình tạo ra chiếc bánh chưng Bờ Đậu là những hạt đậu xanh. Để làm nhân bánh thì những hạt đỗ phải là thứ đỗ quê đều hạt, vỏ mỏng, lòng vàng. Sau khi làm vỡ đôi hạt đỗ, người dân sẽ ngâm nước cho đỗ mềm, sau đó đãi thật sạch lớp vỏ bên ngoài.
Nãy giờ em nói quý vị có thấy nguyên liệu gì còn thiếu trong chiếc bánh chưng truyền thống không ạ? Dạ vâng đúng rồi ạ, đó là những miếng thịt lợn. Điều đặc biệt tạo nên sự độc đáo riêng của món bánh chưng đặc sản Thái Nguyên này, đó là phần thịt làm nhân được lấy ra từ những con lợn do chính người dân nơi đây chăn nuôi dưới hình thức thả rông và cho ăn hoàn toàn từ nguồn thức ăn tự nhiên. Do đó, thịt lợn để gói bánh rất chắc và ăn có vị ngon ngọt hơn loại thịt lợn miền xuôi.
Người dân Cổ Lũng, Sơn Cầm cha truyền con nối với những bí quyết riêng đã tạo nên những chiếc bánh chưng đặc biệt. Không cần bất cứ loại khuôn nào, dưới bàn tay thuần thục của những người thợ gói bánh, từng chiếc bánh vuông chằn chặn, xanh mướt cứ lần lượt hiện ra. Sau khi gói xong, bánh được ngâm trước với nước trong khoảng thời gian 30 phút rồi đặt vào những nồi cỡ lớn để luộc trong vòng từ 8-10 tiếng, khi nước cạn phải đổ thêm để cho bánh chín đều từ trong ra ngoài.
Một điều đặc biệt nữa nguồn nước để luộc bánh chưng không phải là nguồn nước bình thường mà chúng ta hay dùng, nước được dùng để luộc bánh chưng Bờ Đậu được lấy từ chính nước suối nguồn trên núi đá phía sau làng Bờ Đậu. Người dân nơi đây vẫn gọi đó là nước “giếng thần”. Thứ nước được trời cho trong vắt này đã giúp chiếc bánh chưng giữ nguyên được màu xanh lá dong và tạo nên mùi thơm đậm đà hòa quyện trong nồi bánh. Bởi vậy, người làng Bờ Dậu mới có câu ca:
“Bánh chưng luộc nước giếng thần
Thơm ngon mùi vị có phần trời cho”.
Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu nổi lửa quanh năm và nhộn nhịp, tấp nập nhất là vào những ngày giáp Tết. Ngoài những chiếc bánh chưng truyền thống, người dân làng nghề còn sản xuất thêm bánh chưng lá giềng, bánh chưng gấc, bánh chưng nếp cẩm... để tạo nên sự phong phú, mới mẻ cho sản phẩm, đáp ứng đa dạng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước.Về chất lượng của bánh chưng Bờ Đậu, em tin chắc chắn rằng bất kì ai trong chúng ta khi ăn cũng sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngon của nó. Bóc chiếc bánh chưng Bờ Đậu, vỏ bánh xanh mướt, dẻo, nhân bánh bùi ngậy pha chút cay cay, thơm thơm của hạt tiêu, cảm giác như cả đất trời cùng hòa quyện trong từng chiếc bánh và câu chuyện Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh dầy biếu vua Hùng lại như hiển hiện.
Vừa rồi đoàn nhà mình đã được tìm hiểu về làng nghề bánh chưng Bờ Đậu. Địa điểm tiếp theo ở Thái Nguyên mà em muốn kể cho quý vị nghe ạ. Trên xe của mình chắc hẳn ai cũng biết ngày 27/7 là ngày gì đúng không ạ? Dạ vâng đúng rồi ạ. Đó chính là ngày 27/7 ạ. Trên chuyến xe ngày hôm nay em sẽ kể cho quý vị nghe về lịch sử ra đời của ngày 27/7 này ạ. Câu chuyện được bắt đầu kể từ ngày Bác Hồ gửi thư cho các Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và có định hướng cho cơ quan có chức năng lấy ngày 27-7-1947 là ngày Kỷ niệm Thương binh, liệt sĩ đến nay đã tròn 65 năm. Trên mảnh đất Đại Từ lúc ấy chính là cội nguồn nơi ra đời ngày kỷ niệm thiêng liêng ấy ôm trọn bao tình người, tình đồng bào, đồng chí.
Hiện tại xe của đoàn chúng ta đang đi theo quốc lộ 37 Thái Nguyên – Tuyên Quang, về huyện Đại Từ - một huyện miền núi nằm ở phía tây bắc của tỉnh Thái Nguyên, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 25 km, phía bắc giáp huyện Định Hóa, phía nam giáp huyện Phổ Yên và thành phố Thái Nguyên, phía đông giáp huyện Phú Lương, phía tây và đông giáp tỉnh Tuyên Quang và Vĩnh Phúc. Là một huyện thuộc vùng ATK trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Và sau khi ta đã nắm chắc chắn được âm mưu của thực dân Pháp sẽ quay lại xâm lược nước ta một lần nữa, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân đội, các cơ quan của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa còn non trẻ đã rời Thủ đô Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc, trong đó có ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Trong những cơ quan lên ở huyện Đại Từ có Phòng thương binh Cục Chính trị - Bộ quốc phòng đóng trụ sở ở nhà bà Bá Huy, xã Lục Ba. Thực hiện lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam lúc bấy giờ nhân dân huyện Đại Từ cũng như nhân dân cả nước đồng lòng ủng hộ kháng chiến. Trong huyện Đại Từ, cán bộ và nhân dân nơi nơi đều dấy lên phòng trào giúp đỡ bộ đội là thương binh. Một loạt các Trại An dưỡng đường được ra đời ở huyện Đại Từ như: Trại An dưỡng đường ở xã An Khánh, Trại An dưỡng đường số I, Trại An dưỡng đường số II ở xã Lục Ba, An dưỡng đường số III ở xã Mỹ Yên. Các đồng chí là bộ đội bị thương ở các chiến trường đều được đưa về các Trại An dưỡng đường để cứu chữa, điều trị. Ở Đại Từ có rất nhiều câu chuyện cảm động đã diễn ra trên mảnh đất này về tình cảm của nhân dân với bộ đội như “cá với nước”. Chuyện kể rằng : ở Trại An dưỡng đường số II ở xã Lục Ba, cuối năm 1947, không ai biết chính xác con số thương binh được đưa về trại là bao nhiêu nhưng số nhà anh em ở đóng tại đây lên đến cả trăm. Tất cả bà con có nhà rộng rãi đều nhường chỗ để anh em thương binh nghỉ, làm chỗ ăn, chỗ ở, có nơi làm nhà văn hóa để anh em vui chơi, giải trí. Đặc biệt có bà con nhường nhà mình cho những thương binh, cụt cả tay, cụt chân, hỏng mắt, chấn thương sọ não … cùng ở thì khó khăn lại tăng lên bội phần. Nhưng bà con nhân dân huyện Đại Từ lại cho đó là một niềm vinh dự và trách nhiệm lớn của mình. Cũng trong thời gian ấy, ở xã Lục Ba có nhiều chị em tình nguyện lấy chồng là thương binh như: chị Trần Thị Lệ lấy anh thương binh Đỗ Công Chức, chị Nguyễn Thị Tình lấy anh thương binh Phí Văn Thuyên, chị Cậy 25 tuổi rất xinh, lấy anh thương binh tên là Vụ … Các cặp này xây dựng gia đình với nhau, sau đó đều định cư ở xã Lục Ba, từ đó đến nay, người còn, người mất, nhưng con cái họ đều phương trưởng cả. Nhiều chị em phụ nữ ở xã Mỹ Yên cũng lấy chồng là thương binh, hưởng ứng phong trào phụ nữ lấy chồng là thương binh như ở xã Lục Ba.
Cũng ở xã Lục Ba, có bà Nguyễn Thị Đích, nhân dân thường gọi là bà Bá Huy, vốn là một người phụ nữ chịu thương, chịu khó quê ở thôn Thái Lai, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, phải bỏ quê ra đi, vì không chịu lấy tên Chánh tổng. Bà theo thợ cấy lên huyện Đại Từ đi cấy thuê, gặp ông Trần Đình Tích cũng là người đi cày thuê, cùng cảnh nên duyên chồng vợ. Do chịu khó làm lụng nên có vốn liếng dần dần khá giả. Ông bà có nhiều ruộng trở nên là người giàu có trong vùng. Cuối năm 1947, Phòng Thương binh - Cục Chính trị - Bộ quốc phòng về đóng trụ sở ở nhà bà Bá Huy, quân số lên đến gần 100 người, chỗ ăn, chỗ ở, chỗ chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Nhận được sự khuyến khích, động viên rất lớn của ông Lê Thành Ân - lúc đó là quyền Trưởng Phòng Thương binh - Bộ quốc phòng, bà Bá Huy đã giúp thương binh 3 mẫu ruộng, 3 tấn thóc, 1 con trâu, vận động nhân dân trong xóm, trong làng làm 10 gian nhà tre và các nguyên vật liệu khác để lập Trại An dưỡng đường, gọi là Trại An dưỡng đường số I để nuôi dưỡng, chăm sóc thương binh.
Sau khi được nghe báo cáo về những việc làm đầy tình nghĩa đó của bà Bá Huy ở huyện Đại Từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó đang ở và làm việc tại ATK - Định Hóa đã gửi thư khen ngợi đúng vào ngày 27-7-1947. Nguyên thư Bác viết:
“Thưa bà,
Tôi nhận được báo cáo rằng bà đã hăng hái giúp đất ruộng, trâu bò, thóc lúa và tiền bạc để lập một trại an dưỡng đường cho thương binh.
Tôi rất lấy làm vui lòng.
Anh em thương binh đã hy sinh xương máu, để giữ gìn Tổ quốc, bà đã hy sinh tiền của để giúp đỡ anh em thương binh. Như thế là bà đã giúp sức vào công việc gìn giữ Tổ quốc.
Như thế là bà đã làm kiểu mẫu cho đồng bào thực hành cái khẩu hiệu:
“Có tiền giúp tiền, có sức giúp sức,
Đồng tâm hiệp lực, kháng chiến thành công”
Tôi thay mặt Chính phủ và anh em thương binh cảm ơn bà và khen ngợi bà.
Đồng thời, tôi cũng cảm ơn các phụ lão, các vị thân hào và toàn thể nam nữ đồng bào ở vùng đó, đã giúp công, giúp của với bà, để lập nên an dưỡng đường “Bà Bá Huy”.
Tôi mong bà cùng toàn thể đồng bào vùng đó sẽ luôn luôn chăm nom giúp đỡ các thương binh”.
Những câu nói nãy giờ quý đoàn được nghe em chia sẻ đó chính là nguyên thư Bác Hồ viết gửi cho bà Bá Huy.
Một trong những người có công cũng giúp đỡ thương binh xây dựng trại An dưỡng đường số II là cụ Đặng Văn Ẩm (còn gọi là Tổng Ẩm), ông Ẩm là người rất cần cù lao động nên gia đình cũng khá giả. Ngoài dinh cơ ở trong làng. Gia đình ông còn khai phá khu đầm Tàu Voi để chăn nuôi trâu bò và thả cá. Khi cụ Vũ Năng Tĩnh là cán bộ lên đặt vấn đề xin giúp đỡ xây dựng trại an dưỡng đường ông đã nhường toàn bộ khu trang trại này cho anh em thương binh. Tất cả gồm tám gian nhà, năm mẫu ruộng, bốn con bò và nhiều thóc gạo. Bà con noi theo gương ông cũng hết lòng đem công sức và của cải giúp đỡ anh em.
Nói sao hết những tấm lòng cưu mang da diết của bà con nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ với các cơ quan, đoàn Đảng đã về ở và làm việc tại các xóm làng ở các xã ven chân Tam Đảo huyện Đại Từ. Xuất phát từ tấm lòng cảm động ấy, giữa bao bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đồng chí lãnh đạo thuộc Bộ Nội vụ đã họp để lấy một ngày gọi là ngày để tỏ lòng yêu mến các thương binh, tử sĩ. Từ ATK Bác Hồ viết thư gửi Thường trực Ban tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc”. Đầu thư Người viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù? Đó là những chiến sĩ mà nay một số đã thành ra thương binh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Thương binh là người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đã chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.
Cuối thư, Người đã vận động đồng bào nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ thương binh. Bản thân Người đã xung phong góp chiếc áo lụa, một tháng lương và tiền ăn một bữa của Người và của tất cả các nhân viên của Phủ Chủ tịch, tổng cộng là 1.127 đồng để tặng thương binh. Báo Vệ quốc dân số 11, ra ngày 27-7-1947 đã đăng thư này của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xuất phát từ những điều kiện lịch sử, những đóng góp to lớn của các chiến sĩ bộ đội, đồng bào tất cả vì thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1947), chính tại mảnh đất ATK Đại Từ đã diễn ra lễ công bố lấy ngày 27-7-1947 là ngày Kỷ niệm Thương binh, liệt sĩ. Đó là địa điểm cây đa xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn (Đại Từ) nằm ngay trong lòng của huyện lỵ là những nhân chứng ghi lại sự kiện lịch sử ấy. Trước nhà tưởng niệm hiện có tấm bia đá có ý nghĩa là "ngọn lửa" được khắc chìm sự kiện: "Nơi đây ngày 27 tháng 7 năm 1947, 300 cán bộ, bộ đội và đại diện tầng lớp nhân dân địa phương có mặt nghe công bố bức thư Bác Hồ ghi nhận sự ra đời ngày Thương binh, liệt sĩ ở nước ta". Năm 1997, địa điểm đã được xếp hạng là di tích lịch sử; UBND huyện Đại Từ đầu tư xây dựng tôn tạo thành công trình văn hóa - lịch sử oai nghiêm, gồm có Nhà tưởng niệm, kiến trúc như một ngôi đền cổ kính, nội thất được bài trí đẹp, trang trọng, có bàn thờ Bác Hồ, bia ghi công các Anh hùng liệt sĩ. Đến với di tích, du khách cũng được thưởng ngoạn quang cảnh thôn dã, thanh bình với cảnh quan hồ sen thơm ngát, cây đa cổ thụ, có đền Ông và đền Bà – nơi thờ Đồng Doãn Giai, một Tiến sĩ đỗ năm 1736 thời Lê người Đại Từ và công chúa Mai Hoa người vợ yêu quý của danh nhân cũng được thờ trong quần thể di tích.
Huyện Đại Từ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đồng thời là nơi chứa đựng những tình cảm sâu nặng của con người với con người khi đất nước có chiến tranh, nhân dân địa phương đã dấy lên phong trào ủng hộ thương binh rất rầm rộ. Có rất nhiều tấm gương sáng như vừa nêu, đã thực sự tham gia vào công cuộc gìn giữ Tổ quốc, đó là những việc làm đầy tình nghĩa, nó đã nêu cao tinh thần yêu nước, thương nòi, tương thân, tương ái, thương người như thể thương thân một truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tại đây vẫn còn cây đa cổ thụ xum xuê, tươi tốt. Mọi người ở đây thường vẫn gọi đó là “Cây đa 27-7”.
Thưa toàn thể quý đoàn thân mến, hiện tại đoàn chúng ta đang trên xe di chuyển tới Bắc Kạn. Thì chúng ta có đi qua một cái đền thờ một người thủ lĩnh người Tày, có lẽ đây là lần đầu tiên mà quý vị được đặt chân đến tỉnh Thái Nguyên để tham quan thì em xin bật mí cho quý đoàn nhà mình được biết đến ngôi đền Đuổm thờ một thủ lĩnh người Tày đó chính là ông Dương Tự Minh. Đền Đuổm là một ngôi đền cổ nằm bên quốc lộ 3, thuộc địa phận xã Động Đạt huyện Phú Lương, cách thành phố Thái Nguyên 25km về phía Tây Bắc. Đền được lấy cái tên là đền Đuổm là bởi vì vị trí năm của đền ở dưới chân núi Đuổm - một danh thắng của tỉnh Thái Nguyên. Lần giở lịch sử xưa mới thấy phủ Phú Lương xưa rộng bao quát khắp một vùng phía Bắc nước ta, gồm: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng và một phần Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Lạng Sơn ngày nay.
Khi nghe thấy đền có cái tên là đền Đuổm thì đoàn nhà mình có thắc mắc là tại sao đền này lại gọi là đền Đuổm không ạ?
Đoàn nhà mình vừa ngồi trên xe cũng đã thấy đoạn đường từ trung tâm thành phố Thái Nguyên qua thị trấn Đu (Phú Lương) chỉ vài cây số về phía Tây Bắc theo Quốc lộ 3, đoàn nhà mình có thấy nổi lên giữa đồng lúa Động Đạt là một dải núi đá uy nghiêm sừng sững không ạ? Điểm Sơn, tục gọi là núi Đuổm với thành núi dựng đứng nhấp nhô gồm 6 ngọn. Và xưa kia, Dương Tự Minh đã dùng núi Đuổm là nơi hội quân, tích trữ lương thảo, vũ khí.
Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân ta đã sử dụng núi Đuổm không chỉ như một pháo đài bất khả chiến bại, mà còn đặt pháo trên đỉnh núi để chống trả máy bay kẻ thù.
Từ đó núi Đuổm cũng trở thành một trong những địa điểm dừng chân của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi đến căn cứ ATK và bàn những việc tối mật. Chính vì thế, quần thể di tích đền Đuổm không chỉ có ý nghĩa văn hóa tâm linh, mà còn chứa đựng những giá trị lịch sử trong công cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Ngoài phong tục tín ngưỡng thờ thần, đoàn nhà mình đến đây còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp và huyền bí của núi Đuổm với hang Sữa, giếng Dội, dòng Giang Tiên với những câu chuyện đã trở thành huyền thoại ở đất chè xứ Thái.
Từ xa xưa, núi Đuổm đã được các cao nhân coi là linh sơn xứ Thái. Với thế phong thủy hội đủ 4 yếu tố: Tiền Chu tước, hậu Huyền Vũ, tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ. Chính vì thế, đền Đuổm đã được chọn để xây dựng trên ngọn núi này như để vị thủ lĩnh mãi bảo vệ vùng đất thiêng.
Truyền thuyết ở xứ chè Thái còn được người dân kể rằng, ngày tướng Dương Tự Minh chào đời, có một con đại bàng khổng lồ bay về núi báo hiệu tin vui. Sau này, khi tướng Dương Tự Minh lập chiến công và qua đời, người dân đã lập đền thờ và tục truyền dựng tượng đại bàng trên đỉnh núi.
Trước cổng đền hiện còn hai câu đối từ thế kỷ 12 để lại:
"Quan Triều hiển thánh thiên thu tại
Động Đạt giáng trần vạn cổ hinh".
Nghĩa của đôi câu đối nãy em vừa nói thì ý đó nói về Dương Tự Minh, người được phong thánh ở ngọn núi Đuổm này.
Thần phả viết rằng, vào triều đại nhà Lý dưới chân núi Đuổm có một bản nghèo là bản Doanh. Bản có mươi nóc nhà gianh tre đơn sơ, khuất dưới tán cây rừng, trong đó có một túp lều nhỏ tuềnh toàng không ai ngờ, đó là nơi hưu trí của một viên quan châu mục từng nổi tiếng một thời - cha của Dương Tự Minh.
Quan châu mục họ Dương, một dòng tộc đầy thế lực của người Tày ở vùng phủ Phú Lương. Ông từng là thủ lĩnh trong vùng, lập nhiều chiến công chống quân Tống xâm lược lần thứ hai trên chiến tuyến sông Cầu. Ông vốn người trung hậu, giàu lòng nhân từ có bao nhiêu bổng lộc đều chia sẻ cho mọi người nên về già không có nhà cao cửa rộng và của riêng. Mãi năm ông bà ở tuổi 70 mới sinh cậu con trai. Lúc bà sinh con, bỗng thấy từ túp lều bừng lên sáng rực, lấp lánh như ánh hào quang, ánh sáng ấy như tỏa ra từ đứa con trai.
Người cha thấy việc lạ lùng ấy mới đặt cho con một cái tên là Tự Minh (tức tự mình phát sáng). Lại thấy trong giờ khắc Dương Tự Minh ra đời, có cả bầy chim đại bàng tung cánh quanh ngôi nhà sàn, nên người cha tiên đoán con mình sau này sẽ làm nên nghiệp lớn.
Lịch sử đều ghi nhận Dương Tự Minh là người dân tộc Tày, sinh và lớn lên ở Quan Triều dưới thời ba đời vua nhà Lý là Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông và Lý Anh Tông. Là thủ lĩnh nhưng Dương Tự Minh vẫn coi mình là thành viên bản làng, cùng dân đi cày, đi bắt cá và không có bất cứ một lãnh địa hay nô tỳ riêng nào.
Vào năm Đại Định thứ 5 (1144) có kẻ yêu thuật người nước Tống là Đàm Hữu Lượng trốn sang châu Tư Lang, tự xưng là Triệu tiên sinh nói là vâng mệnh đi sứ để dụ dỗ nước An Nam. Các khe động dọc biên giới có nhiều người theo, Đàm Hữu Lượng đem đồ đảng đến cướp châu Quảng Uyên. Cả triều đình lo lắng, nhà vua cho người đi cầu hiền tài cứu nước.
Lúc này Dương Tự Minh xin gặp nhà vua để xung phong diệt giặc cứu nước. Đích thân nhà vua trao cho ông thanh Thượng phương bảo kiếm và phong cho chức Đô đốc Thống binh, giao cho 3 vạn binh mã.
Dương Tự Minh đã chia quân thành hai đạo, trận chiến diễn ra theo thế gọng kìm, quân Lý tiến công như vũ bão và giết chết Đàm Hữu Lượng. Sau khi dẹp yên giặc, Dương Tự Minh cho củng cố lại các vùng biên ải, ổn định tinh thần nhân dân, rồi dẫn đoàn quân chiến thắng về kinh đô.
Vua Lý sai các quan đại thần ra khỏi thành đô 10 dặm để đón, nhân dân khắp các bản làng, phố thị mở hội khao quân. Dương Tự Minh được nhà Lý gả cho hai nàng công chúa là Thiều Dung và Diên Bình. Hơn 100 năm sau, nhà Tống không dám lăm le và phải công nhận nền độc lập của Đại Việt.
Theo “Việt Nam sử lược”, khi vua Lý Thần Tông băng hà, hoàng thái tử Thiên Tộ nối ngôi khi mới 3 tuổi, hiệu là Anh Tông Hoàng đế, tôn mẹ là Hoàng hậu Lê Cảm Thánh làm Thái hậu.
Lê Thái hậu lại tư thông với Thái úy Đỗ Anh Vũ, cho nên phàm việc gì bất cứ lớn nhỏ đều ở tay Vũ quyết đoán cả. Vũ được thể ra vào chỗ cung cấm, kiêu ngạo và khinh rẻ đình thần, ức hiếp vua, uy hiếp quan lại trong triều.
Đến năm Đại Định thứ 11, tức 1150, các tướng lĩnh chỉ huy đội quân cấm vệ như Vũ Đái, Nguyễn Dương, Nguyễn Quốc và Phò mã Dương Tự Minh thấy Đỗ Anh Vũ lộng quyền nên bàn sự trừ khử. Tuy nhiên, sự không thành nên Dương Tự Minh bị bắt đi đày rồi sống những năm cuối đời dưới chân núi Đuổm và mất ở đây.
Và cũng từ đấy dân gian lưu truyền, sau này khi Dương Tự Minh trở về quê, ông cởi bỏ quần áo xuống tắm mát trong dòng sông Phú Lương quê ông để trút bỏ hết bụi trần. Sau đó, ông mặc lên mình bộ quần áo chàm xanh của người Tày rồi cưỡi ngựa bay về trời.
Sau này, triều Lý truy phong Dương Tự Minh làm “Uy Viễn đôn tỉnh cao sơn quảng độ chi thần”, nhiều triều đại phong kiến đã ban sắc phong là “Thượng đẳng thần”. Nhân dân địa phương đã tôn Dương Tự Minh làm Đức Thánh, xây đền thờ ông ở núi Đuổm mà sau này được gọi là đền thờ Đức Thánh Đuổm hay còn với cái tên ngắn gọn là đền Đuổm.
Những địa phương gần núi Đuổm còn nhớ một giai thoại rất xưa liên quan đến truyền thuyết Thánh Đuổm trừ tà giúp dân. Chuyện là năm đó tất cả các sông suối đều đục ngàu, không tài nào có thể tắm rửa sinh hoạt.
Mọi người kéo nhau lên đền mới được Thánh Đuổm cho biết có tà thần làm hại. Theo lời Thánh Đuổm, dân làng đã làm theo mẹo thần và quả nhiên bắt được 3 con thuồng luồng thân như cau cây già, da vẩy xù xì, mào như chiếc quạt đỏ.
Hiện nay, trong hậu cung đền Đuổm còn giữ được một pho tượng cổ tạc tướng Dương Tự Minh từ thế kỷ 12 cùng một số sắc phong về công lao của danh tướng Dương Tự Minh đối với đất nước. Trên cả một vùng rộng lớn từ Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Cao Bằng có nhiều nơi dựng đình miếu thờ Dương Tự Minh với vai trò danh tướng – thành hoàng làng.
Tuy nhiên sử sách không ghi rõ năm sinh, năm mất của Dương Tự Minh, chỉ biết ông sống vào cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII. Sau khi ông mất, nhân dân đã lập đền thờ ông ở núi Đuổm - tương truyền là nơi ông thác, và suy tôn ông là Thánh Đuổm.
Đền Đuổm được xây dựng từ thế kỷ XII, đến nay đã qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính của kiến trúc truyền thống. Ngôi đền tọa lạc dưới chân núi Đuổm, có tam quan hướng ra quốc lộ. Các công trình chính gồm lầu chuông, đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, được bố trí dựa vào sườn núi theo thứ tự từ thấp lên cao.
Đền Hạ là nơi thờ hai công chúa Diên Bình và Thiều Dung tiếp đến đền Trung là nơi thờ danh nhân Dương Tự Minh, và cuối cùng đền Thượng là nơi thờ thân mẫu của ông. Phía trước đền là một không gian rộng lớn với cánh đồng, đồi cọ, đồi chè và con sông Cầu uốn khúc chảy qua. Tuy quy mô không lớn nhưng đền Đuổm là một quần thể kiến trúc đẹp, uy nghiêm, là danh thắng hàng đầu của vùng đất trung du Thái Nguyên.
Đền Đuổm đã được xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1993. Hằng năm, từ ngày 6 đến ngày 8 tháng Giêng, huyện Phú Lương lại tổ chức Lễ hội đền Đuổm để tưởng nhớ công lao của Dương Tự Minh. Hiện nay, đền Đuổm đang là một điểm sáng trong du lịch của huyện Phú Lương và tỉnh Thái Nguyên.
Sau khi tham quan được 3 điểm khá là nổi tiếng ở Thái Nguyên thì chắc bây giờ đoàn nhà mình cũng đã thấm mệt và đói bụng rồi đúng không ạ? Sau đây bác tài sẽ đưa chúng ta đến nhà hàng và ăn trưa rồi về khách sạn check in nghỉ ngơi lấy lại khí thế để cho buổi chiều thật bùng nổ được không ạ? Dạ vâng em cảm ơn ạ.
Cho em hỏi đoàn nhà mình trưa nay dùng bữa có ngon miệng không ạ? Khách sạn của công ty bên em có khiến đoàn nhà mình thấy thoải mái không ạ? Nếu mà đoàn nhà mình đã sẵn sang để tiếp tục chuyến hành trình cho buổi chiều hôm nay thì hãy cho em thấy những tràng pháo tay thật to và thật hoành tráng được không ạ?
Đoàn nhà mình hiện đang dừng chân và có mặt ở tỉnh Bắc Kạn. Nhắc đến Bắc Kạn đoàn nhà mình có biết ở đây có những khu di tích, danh thắng hay là điểm du lịch nào nổi tiếng không ạ? Dạ vâng có động Puông, có hồ Ba Bể, có thác Bạc, rất nhiều đúng không ạ? Và chuyến hành trình sắp tới của đoàn nhà mình sẽ được trải nghiệm rất nhiều vẻ đẹp tiềm ẩn ở 3 điểm du lịch mà quý vị vừa nói ạ. Hiện tại em đoàn nhà mình đang đứng ở xã Nam Mẫu, là nơi có 1 trong 20 hồ nước ngọt nổi tiếng đó ạ. Quý vị đã đoán ra đó lằ hồ gì chưa ạ? Dạ vâng đó chính là hồ Ba Bể ạ. Nói đến sự tích hồ Ba Bể thì em không thể không kể đến truyền thuyết bí ẩn của người Tày cho quý đoàn nhà mình biết ạ. Trước khi tìm hiểu về Bắc Kạn, em xin phép quý đoàn nhà mình cho em được giới thiệu đôi nét về cuộc sống nhà ở cũng như con người của người dân nơi đây để quý đoàn nhà mình có một chút hiểu biết về dân tộc này hơn ạ.
Thưa quý vị, đên với Bắc Kạn thì cộng đồng dân cư tỉnh Bắc Kạn có 24 dân tộc trong đó các dân tộc có số người đông nhất là: Tày, Dao, Nùng, Mông, Kinh. Trong số đó dân tộc mà em sẽ giới thiệu đến quý đoàn ngay bây giờ thì là một dân tộc chiếm trên 54% tổng số dân, đó chính là dân tộc Tày ạ.
Dòng họ người Tày ở Bắc Kạn có nhiều nguồn gốc khác nhau. Phần đông là các họ gốc Tày. Bên cạnh đó còn có thêm các họ gốc từ dân tộc Nùng và Kinh. Người Tày ở Bắc Kạn chiếm số đông sẽ mang các họ: Nông, Hà, Ma, Hoàng. Ít có dòng họ nào cư trú riêng biệt tại một vùng, ngay trong một bản cũng thường có ít nhất 2 - 3 họ cùng cư trú. Họ luôn sống gắn bó và đoàn kết với nhau.
Đối với mỗi dân tộc thì ở mỗi nơi họ đều mang mỗi một sắc thái văn hóa riêng. Trong văn hoá của người Tày bao gồm cả văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần. Người Tày coi bản sắc văn hoá là cái riêng của dân tộc mình để phân biệt với các dân tộc khác. Khi nói đến dân tộc Tày không thể không nhắc đến ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày. Đây không chỉ là một nét đẹp của người Tày về mặt kiến trúc thẩm mĩ mà ở đó còn chứa đựng cả những giá trị nhân sinh.
Từ thời xa xưa do dân tộc Tày này đây đã sống ở gần rừng, gần núi có nhiều mối nguy hiểm rình dập nên con người ở đây đã nghĩ ra cách dựng ngôi nhà lên cao để tránh thiên tai, thú dữ. Nhà sàn nhiều gian là hình thái cư trú chủ yếu của người Tày nơi đây. Nhà được dựng bên sườn đồi hay dưới chân núi hoặc trên bãi đất ven suối hay kiểu tựa lưng vào núi và hướng ra cánh đồng. Nhà sàn được làm tương đối cao, và có kết cấu chắc chắn. Ngày nay, nhà sàn có phần được thay đổi cả về kết cấu, kiến trúc và vật liệu.
Khi làm nhà mới, thì không kể là người Tày mà đến cả những người như quý đoàn chúng ta cũng sẽ rất chú ý việc chọn ngày và hướng của ngôi nhà đúng không ạ? Dân tộc Tày làm một ngôi nhà thì đầu tiên chủ nhà phải đi xem ngày lành tháng tốt, xem có phạm vào ngày kiêng kị gì của gia đình không. Khi vào nhà mới thì chủ nhà phải dùng một bó đuốc châm lửa rồi nhóm bếp và duy trì không để bếp lửa tắt đến sáng hôm sau, điều này có nghĩa như khai mở sự sống cũng như xác định quyền sở hữu của ngôi nhà.
Mỗi nhà đều có hàng rào bao bọc xung quanh. Bên cạnh nhà có một vài công trình khác như nhà vệ sinh, chuồng trâu, chuồng lợn, chuồng gà...
Bộ phận chủ yếu trong ngôi nhà sàn của người Tày là bộ cột, kèo, và xuyên, nó là bộ khung quyết định sự vững chãi và tạo nên hình dáng của ngôi nhà, có ảnh hưởng đến tính thẩm mĩ của ngôi nhà. Cột có nhiệm vụ trụ vững trên mặt đất làm điểm tựa cho toàn ngôi nhà, xuyên và kèo đều được gắn vào các cây cột bằng các lỗ đục trên cột. Kèo tạo nên phần chóp nhọn và sườn của mái nhà. Xuyên có tác dụng liên kết các cây cột với nhau, góp phần tạo nên bộ khung nhà. Ngoài ra còn có các bộ phận phụ như đòn tay, mè, dui. Phên và vách của ngôi nhà sàn trước đây chủ yếu được bưng bằng phên tre, nứa, ngày nay một số gia đình đã thay bằng ván gỗ.
Khi quý đoàn nhà mình bước vào ngôi nhà sàn của người Tày điều đầu tiên mà quý vị bắt gặp đó chính là chiếc cầu thang hay còn gọi là tháng đuây được đặt ở ngay đầu hồi bên trái, cầu thang lên nhà được làm bằng gỗ rộng khoảng 20 – 25 cm, dài khoảng 120 -150 cm và có số bậc cầu thang lẻ. Tuy là bộ phận phụ nhưng chiếc cầu thang lại rất quan trọng đời sống sinh hoạt hằng ngày và mang yếu tố tâm linh của của dân tộc Tày. Trước hết cầu thang là vật phục vụ cuộc sống hàng ngày của con người, không những thế theo quan niệm của người Tày cầu thang là vật nối liền đất với sàn nhà, nên người Tày quan niệm đó là chiếc cầu nối giữa âm và dương. Bậc thang lên xuống bao giờ cũng là số lẻ, người Tày ở Chợ Đồn thường làm 7 bậc hoặc 9 bậc tùy theo độ cao của sàn nhà, số 7, số 9 tượng trương cho 7 vía, 9 vía của con người, số lẻ là chưa viên mãn đầy đủ vẫn có thể phát triển tiếp, nếu làm bậc thang là số lẻ thì gia đình sẽ làm ăn tấn tới, thuận lợi và gặp may mắn.
Một số nhà cửa của mỗi dân tộc đều có sự phân biệt như cửa trước và cửa sau. Như dân tộc Kinh của chúng ta thì có phải chúng ta thường xem cửa trước là cửa chính còn cửa sau là cửa phụ không ạ? Dạ vâng em cảm ơn còn với nhà sàn của người Tày cũng sẽ có cửa chính và cửa phụ, nhưng dân tộc Tày lại phân biệt cửa chính hay cửa phụ có một chút đặc biệt hơn là họ phân biệt cửa chính là sẽ ở gần cái cầu thang, cửa chính được đặt ở bên cầu thang lên xuống, cửa được làm từ hai miếng ván, mép ngoài ở hai đầu trên và dưới mỗi miếng ván sẽ có một chiếc trụ cắm vào lỗ đục ở hai bên để làm trụ xoay khi đóng, mở cửa, cửa sẽ được đóng chặt bởi chiếc then cài ngang bằng gỗ hoặc thanh tre. Ngày nay cửa nhà sàn của người Tày đã có nhiều thay đổi như cửa kính, cửa chớp…còn cửa phụ thì sẽ ở gần phía sàn phơi, mặt sàn được dát kín bằng thân cây tre chẻ nhỏ, chức năng chính dùng để phơi thóc, ngô, các sản phẩm từ nông nghiệp, ba phía quanh sàn được người dân dựng cột cao và bắc thêm cây tre nhỏ để phơi quần áo. Sàn phơi được làm độc lập có bộ cột riêng chôn cố định xuống đất
Gác bếp của người Tày được làm từ những cây tre to, và gác được làm bên trên bếp, cách bếp lửa khoảng 3 – 4 m. người ta gác những cây tre này qua cây xuyên tạo thành gác giống như gác xép, nó được coi như một kho chứa đồ cũng như tận dụng sức nóng của lửa mỗi khi nấu nướng để bảo quản làm khô một số sản phẩm nông nghiệp như ngô, lạc, khoai…
Sự bài trí trong ngôi nhà sàn của người Tày cũng rất chặt chẽ. Sự bài trí này thể hiện được nề nếp của gia đình. Gian đầu tiên gần cửa chính là nơi tiếp khách và diễn ra mọi hoạt động của nam giới. Gian giữa là nơi để bếp lửa, nơi để nấu ăn và mọi người xum vầy quay quần bên nhau mỗi khi đông về. Gian phía dưới giáp vách là nơi để chạn bát. Gian thứ ba là nơi để bàn thờ tổ tiên, và giáp với bàn thờ tổ tiên giáp vách phía bên trên là chỗ ngủ của chủ nhà. Gian phía trong cùng là chỗ ngủ của phụ nữ.
Sinh hoạt hàng ngày của người Tày trên ngôi nhà sàn cũng có sự phân chia rõ ràng, phụ nữ, con gái thì không được ngồi cạnh trên của bếp lửa, hầu như chỉ ngồi cạnh phía dưới của bếp lửa và tránh đi qua trước bàn thờ. Còn người đàn ông, người cha người nắm quyền quyết định mọi việc trong gia đình thì mới được ngồi uống nước và chờ cơm ở cạnh trên của bếp và ngồi ở khu cửa sổ gian chính giữa của ngôi nhà khi hè đến.
Mái nhà của người Tày thường được lợp bằng lá cọ thứ lá rất sẵn có ở nơi đây, lá cọ được chia làm đôi sau đó được kết lại theo chiều ngang của thanh tre đã được cố định trên khung mái nhà. Mái nhà lợp bằng lá cọ che mưa, che nắng rất tốt, lại nhẹ phần mái, nếu lợp được tốt, lá cọ to và dầy thì mái nhà có thể sử dụng từ 15 đến 20 năm, đặc biệt vào mùa hè nóng bức mà ở trong ngôi nhà sàn thì vô cùng mát mẻ dễ chiu.
Để làm nên một ngôi nhà sàn rất khó khăn vất vả, vì vậy ngay từ khi mới chuẩn bị làm nhà và khi sống ở trong nhà cũng có rất nhiều điều kiêng kỵ . Trong việc chọn cây làm nhà người Tày kiêng không chọn cây sâu gốc, cây cụt ngọn vì đấy là những cây bệnh tật, nếu lấy về làm nhà thì người trong gia đình sẽ ốm yếu theo. Khi dựng nhà người ta kiêng không được quay ngọn cây xuống đất, khi dựng cột hay chôn sàn người ta kiêng có bóng người nấp nơi dặt cột vì như thế dễ phạm vào thân thể người có bóng nấp đó.
Sinh hoạt trong ngôi nhà sàn cũng có những quy định riêng, bố không được vào buồng ngủ của con dâu, con gái. Phụ nữ thì kiêng không đi lại trước bàn thờ, không được ngồi cạnh tiếp khách vì như vậy xem như không tôn trọng chồng, xen vào công việc của chồng. Phụ nữ không được ngồi ở cạnh trên của bếp vì đây là nơi dành cho nam giới, không được trèo lên gác bếp để lấy đồ vì như vậy coi là không tôn trọng người đàn ông trong gia đình.
Ngày nay, do ảnh hưởng của cơ chế kinh tế thị trường và sự giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau nên ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày đang có phần bị biến đổi, thêm vào đó có những cách tân hiện đại hơn, sự bài trí trong ngôi nhà sàn cũng thay đổi, những điều kiêng kỵ cũng giảm bớt, những vật liệu truyền thống đang dần được thay bằng những vật liệu bền vững hơn.
Nhà sàn của Người Tày là nơi chứa đựng những giá trị nhân sinh, tín ngưỡng, phong tục tập quán lâu đời, là tổ ấm, là nơi để cho các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau sau thời gian làm việc vất vả, không những thế nhà sàn còn thể hiện được những giá trị lâu bền về mặt kỹ thuật, nghệ thuật và nuôi dưỡng tâm hồn con người, nó trở thành di sản văn hóa vật thể rất cần được bảo tồn, lưu giữ cho các thế hệ mai sau.
Như em đã nói sau khi đoàn nhà mình có thêm hiểu biết về dân tộc và cuộc sống của con người nơi đây thì việc chúng ta tìm ra một bí mật về câu chuyện sẽ không có gì có thể làm khó được chúng ta có phải không ạ?
Thưa quý đoàn nhà mình, như quý vị có thể thấy Hồ Ba Bể như một viên ngọc lục bảo ẩn mình ngữa thiên nhiên núi rừng Đông Bắc, mặt hồ phẳng lặng như một tấm gương khổng lồ in bóng núi đá, mây trời. Ngoài cảnh đẹp đầy mê hoặc lòng người, khi đến với Ba Bể, đoàn nhà mình sẽ không chỉ được nghe em kể mà còn có cơ hội được nghe chính người dân bản địa ở đây kể về sự tích của hồ Ba Bể, câu chuyện đã được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác của những người dân tộc Tày nơi đây Nơi đoàn nhà mình đang đứng chỉ cách Hà Nội khoảng 240km về phía Đông Bắc, cho em xin phép được giới thiệu là vị trí của hồ Ba Bể lúc nãy cho ai chưa nghe rõ ạ. Hồ Ba Bể hiện nay thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn nằm trong quần thể vườn Quốc gia Ba Bể được bao quanh bởi hai cánh cung Ngân Sơn và Bắc Sơn, là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới và là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam. Mặt hồ nước ngọt này rộng mênh mông với diện tích 650ha, độ sâu trung bình khoảng 20-25m, trải dài trên hơn 8km. Người dân địa phương gọi Ba Bể là Slam Pé, nghĩa là ba hồ. Tên gọi xuất phát từ việc hồ là nơi tụ hội của ba nhánh sông Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng. Đến với hồ Ba Bể, quý vị sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ, nguyên sơ nhưng không kém phần thơ mộng ẩn sau làn mây tuyệt đẹp. Nếu có dịp quý vị có thể thỏa mình nhìn ngắm sự chuyển mình của hồ Ba Bể chỉ trong một ngày. Vào sáng sớm khi sương mù còn giăng giăng khắp núi rừng, hồ Ba Bể thấp thoáng như nàng tiên đang bay lượn với tấm váy trắng tinh khổng lồ. Chỉ cần chờ một chút nữa thôi khi quý vị bắt gặp được khoảnh khắc hoàng hôn đổ bóng thì hồ Ba Bể sẽ trở nên lung linh huyền ảo trong muôn vàn tia nắng rực rỡ. Cùng với vẻ đẹp lộng lẫy của hồ Ba Bể, khi đến nơi đây, như em đã nói thì quý vị còn được người dân địa phương sống bên ven hồ kể cho nghe về truyền thuyết tạo nên hồ nước đẹp tuyệt vời này. Chắc là quý vị ngắm hồ từ nãy đến giờ cũng nhiều rồi ạ. Đoàn nhà mình có ấn tượng với vẻ đẹp của hồ nước ngọt này không ạ? Em đoán chắc rằng ở trong mỗi người sẽ có một nét đẹp khó quê tại hồ này. Ngay sau đây đoàn nhà mình sẽ vừa đi tham quan hồ và cùng với đó, em sẽ kể cho mọi người nghe về truyền thuyết tạo nên hồ nước ngọt Ba Bể tuyệt đẹp này ạ. Ngày xửa ngày xưa, ở xã Nam Mẫu thuộc tỉnh Bắc Kạn có phong tục mở hội cầu Phật vào dịp đầu năm. Dân làng ăn mặc đẹp đẽ, nô nức lên chùa thắp hương, khấn vái, mong được nhiều điều may mắn. Một hôm, bỗng có một bà lão ăn xin từ đâu tới. Trông bà già thật đáng sợ. Thân hình bà gầy gò, lở loét, quẩn áo bẩn thỉu bốc mùi hôi thối. Vừa đi bà vừa thều thào xin ăn: “Tôi đói quá! Mong các ông các bà làm phúc!”. Mọi người sợ hãi, xua đuổi bà ra khỏi đám đông. Bà lão lê bước tới ngã ba thì gặp hai mẹ con cậu bé đi chợ về. Thấy bà lão ăn xin tội nghiệp, người mẹ đưa bà về nhà, lấy cơm cho ăn rồi mời nghỉ lại qua đêm. Đến khuya, hai mẹ con nhìn ra chỗ bà già nằm thì thấy sáng rực lên. Một con giao long khổng lồ đầu gác lên xà nhà, đuôi thò xuống đất đang cuộn mình nơi góc nhà. Hai mẹ con kinh hãi rụng rời, đành nhắm mắt, nín thở, nằm im phó mặc cho số phận. Sáng ra, họ chẳng thấy con giao long đâu cả. Trên chõng, vẫn là bà cụ ăn mày ốm yếu, lở loét. Bà cụ đang chuẩn bị đi, vẫy người mẹ lại gần, bà bảo rằng vùng này sắp có lụt lớn và đưa cho một gói tro bếp dặn đem rắc quanh nhà. Nghe vậy, người mẹ lo lắng hỏi làm thế nào để cứu người bị nạn. Bà cụ nhặt hạt thóc, cắn vỡ ra rồi đưa hai mảnh vỏ trấu và dặn dùng nó để làm việc thiện. Vụt một cái, bà cụ biến mất. Hai mẹ con bàng hoàng khôn xiết. Người mẹ vội mang chuyện kể lại cho dân làng nghe nhưng chẳng ai tin cả. Quả nhiên, tối hôm đó, lúc mọi người đang lễ bái thì một cột nước dưới đất phụt mạnh lên. Nước phun đến đâu, đất lở đến đấy. Dân làng kinh hoàng, chen nhau chạy thoát thân. Bỗng một tiếng ầm rung chuyển mặt đất, nhà cửa và muôn vật trong phút chốc chìm sâu trong biển nước. Riêng ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con tốt bụng vẫn khô ráo, nguyên vẹn và nước ngập tới đâu là nền nhà lại nâng lên tới đó. Người mẹ xót xa trước thảm cảnh, sực nhớ lời bà lão dặn, liền thả hai mảnh vỏ trấu xuống nước. Kì lạ thay, chúng biến thành hai chiếc thuyền độc mộc. Thế là mặc gió lớn, mưa to, hai mẹ con ra sức cứu vớt người bị nạn. Khi nước rút, chỗ đất bị sụp xuống biến thành hồ Ba Bể, còn nền nhà của hai mẹ con thành chiếc gò nổi giữa hổ, nay được người dân gọi là gò Bà Goá. Câu chuyện cổ tích cảm động đó được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác của những người dân ở nơi đây, chính là để giáo dục con cháu muôn đời sau về tình thương người, lòng trắc ẩn, và những người ăn ở hiền lành ắt sẽ gặp được điều tốt.
Ở hồ Ba Bể, có một nghi thức em giữ đến cuối hành trình tham quan hồ nước ngọt này để có thể bật mí đến với quý đoàn, có ai biết dân tộc Tày thường có nghi lễ gì bên hồ Ba Bể không ạ? Dạ vâng em đã có nghe một vài quý vị nói chuẩn rồi ấy ạ, em xin được giới thiệu luôn, đó chính là nghi thức hát Then, nghi lễ này được coi là một món ăn không thể thiếu trong đời sống của dân tộc Tày ạ.
Trong kho tàng văn hóa dân gian của người Tày, hát then chính là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo nhất, bày tỏ khát vọng về cuộc sống bình yên, khát vọng vươn lên ấm no, hạnh phúc. Loại hình nghệ thuật này có sự kết hợp giữa vẻ đẹp của con người và thiên nhiên ở đây được nói đến đó chính là hồ Ba Bể, giữa giá trị nghệ thuật với yếu tố tinh thần và tâm linh.
Dân gian quan niệm "then" có nghĩa là Thiên, Thiên tức là "trời". Vậy then được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Ngoài ra, then theo tiếng Tày còn có nghĩa là "của", "lối đi", "lối hát".
Về mặt lịch sử, theo các nhà nghiên cứu văn hóa hát Then xuất hiện vào khoảng cuối TK XV, đầu TK XVI, khi nhà Mạc chạy lên Cao Bằng và xây dựng thành quách ở đó. Theo truyền thuyết, trong số quan lại của nhà Mạc có hai vị tên là Đế Phụng và Đế Đáng rất yêu âm nhạc và thích ca hát, họ đã chế tạo ra tính tẩu và lập ra hai tốp hát để phục vụ cung đình. Về sau dân chúng thấy hay nên bắt chước và được lưu truyền trong dân gian. Theo thời gian, hát then - đàn tính được lan rộng ra các tỉnh miền núi phía Bắc và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái.
Nghệ thuật hát Then có thể cho đoàn nhà mình hiểu thêm về những khía cạnh đời sống của dân tộc Tày ạ.
Về cơ bản, hát then ở mỗi vùng miền đều có cung quãng giống nhau nhưng về lời hát thì có nhiều dị bản để phù hợp với đặc điểm, cũng như phong tục của từng địa phương. Nhạc cụ chính sử dụng trong hát Then là đàn Tính (còn gọi là Tính tẩu). Đàn tính được cấu thành từ 6 bộ phận gồm: bầu đàn, cần đàn, dây đàn, khóa đàn, ngựa, mặt đàn. Người Tày rất coi trọng việc hoàn thành đàn tính tẩu. Khi trình diễn, họ thường tổ chức lễ cúng nhỏ để xin phép tổ sư. Đàn tính được treo trang trọng trên vách gần bàn thờ tổ sư, những khi đi đâu, người Tày thường bọc đàn tính trong vải đỏ và bầu đàn luôn hướng về phía trước mặt mình. Đàn tính chủ yếu được dùng để đệm hát và có thể diễn tấu một mình hoặc nhiều cái cùng một lúc.
Sự hấp dẫn nhất ở nghệ thuật hát then chính là sự phong phú đa dạng của ca từ. Lời then có tới 35 chương đoạn khác nhau, phụ thuộc vào người biểu diễn và mục đích của nghi lễ. Người làm then cổ thường vừa hát then vừa chơi đàn Tính kết hợp sử dụng chùm nhạc xóc trong các nghi lễ như cầu mưa, cầu lửa, giải hạn cầu may, cầu được mùa…
Về mặt nghi lễ, với tư cách là một hình thái sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, then chứa đựng trong mình những tín ngưỡng, tôn giáo nguyên thủy. Thông qua các nghi thức thực hiện then văn, then tướng (then võ, then vũ) và nhiều hình thức khác, ông Dàng, bà Bụt sẽ là chiếc cầu nối giữa thế giới thần tiên và nhân gian, nhằm bày tỏ lòng thành kinh, biết ơn tới các vị thần đã phù hộ, che chở cho mình và gia đình, cộng đồng tránh khỏi những thiên tai, dịch bệnh, đem lại một cuộc sống no đủ, hạnh phúc...
Mặt khác đây cũng là dịp để cả gia đình, dòng họ ôn lại những điều tâm niệm chung về những phẩm chất truyền thống đã được trau dồi như: sự đoàn kết, gắn bó trong gia đình, những quy ước chung của dòng họ nhằm duy trì kỷ cương chung như: tôn trọng người già, tôn trọng truyền thống văn hóa, lệ tục của dòng họ; đồng thời nhắc nhở mỗi thành viên trong gia đình có ý thức và trách nhiệm về cội nguồn, với tổ tiên với gia đình, dòng họ và chính bản thân mình.
Về mặt nghệ thuật dân gian, then được thể hiện sinh động bằng lời ca, tiếng nhạc, điệu múa dân gian hết sức phong phú và hấp dẫn. Trong một cuộc hát then, âm nhạc là yếu tố quan trọng và xuyên suốt khi trình diễn. Hát then có nhiều bài bản, làn điệu khác nhau, nhưng đều tuân theo một bài bản và kết thúc có kết quả giống nhau. Người trình diễn hát then theo hình thức diễn xướng tổng hợp vừa hát, đệm đàn và múa để thể hiện nội dung câu hát, đôi khi còn biểu diễn cả những trò nhai chén, dựng trứng, dựng gươm...
Nội dung và ý nghĩa của các bài hát then thường là vạn lấy hồn lấy vía siêu lạc ở các chốn về, hoặc săn bắt bắn lấy những con thú trên rừng về để giải hạn, khao tổ tiên, khao mẫu sinh hay mẹ sinh. Tiếng hát then thần kỳ đến mức người đang ốm đau chỉ nghe thấy coi như khỏi bệnh. Then có nhiều tác dụng như chữa bệnh, giải hạn, cầu tài cầu lộc, thể hiện một nền văn hóa đa dạng của dân tộc.
Trong đời sống văn hóa cộng đồng, hát then không chỉ là khúc hát đầu xuân cầu an lành, may mắn mà còn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng trong năm. Vào mỗi dịp trong năm cúng cầu an, giải hạn, cúng tổ tiên, hay mừng nhà mới, mừng thọ ông bà, cha mẹ đều không thể vắng bóng những giai điệu then.
Đối với dân tộc Tày thì nghi lễ Then là một trong những loại hình văn hóa mà trong đó hội tụ nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống khác nhau, như thơ ca dân gian, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật trang trí, cho đến các phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian. Những câu chuyện trong nghi lễ Then phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan, lịch sử, tập tục sinh hoạt của dân tộc. Hiện nay hát then có nhiều biến đổi so với trước kia, ngoài các làn điệu then cổ thường được trình diễn ở các buổi lễ tín ngưỡng với các nghi thức nhất định đã xuất hiện nhiều làn điệu cải biên để thích ứng trong các hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ cộng đồng. Nghệ thuật hát then như là chiếc cầu nối giữa con người với thế giới thần linh và đất trời. Chính vì thế, then là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của người Tày nói riêng và nhiều dân tộc thiểu số khác ở nước ta nói chung.
Đoàn nhà mình đang ở hồ Ba Bể, quý vị hay từ từ di chuyển xuống thuyền, đoàn chúng ta sẽ tiếp tục di chuyển tiếp sang đến bến xuồng Buốc Lốm, em đang cho đoàn nhà mình xuống xuồng máy để xuôi theo sông Năng khoảng 3km là sẽ đến điểm tham quan tiếp theo trong chuyến hành trình đó chính là Động Puông.
Em xin phép được giới thiệu qua một chút về hang động này. Động Puông là một hang động đá vôi tự nhiên nằm trong dãy núi Phja Puông, dòng sông Năng chảy qua động có chiều dài là 351m, nước sông chảy vào động từ phía Đông Bắc, ra hướng Tây Nam. Như quý vị có thể thấy cửa động Puông tạo thành vòm cao hơn 60m, rộng trung bình 277m, độ sâu của nước trong động từ 6-10m. Bước chân vào trong động, quý vị sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thạch nhũ, nơi cư trú của nhiều loài dơi, chim nhạn.
Động Puông được xem là cảnh quan điển hình về kiến tạo địa chất của vùng cax-tơ, có sự kết hợp hài hòa tự nhiên giữa sông, núi đá vôi, động thực vật đó vừa là đối tượng của nghiên cứu khoa học địa chất, vừa là đối tượng để khai thác du lịch.
Ở khu vực Động Puông nói riêng và Hồ Ba Bể thì ở đây là vùng khí hậu nhiệt đới ẩm. Nhiệt độ trung bình trong động từ 18 - 20 độ C. Động nằm trong quần thể sinh thái Vườn quốc gia hồ Ba Bể, đây là một thảm rừng nguyên sinh trên hệ thống núi đá vôi bao gồm 4 ngành thực vật với 115 họ và 416 loài. Trong đó, có một số loài gỗ quý như: Đinh, lát hoa, nghiến… Phía trong động chủ yếu là các loài rêu đá. Động Puông thuộc khu vực rừng nguyên sinh nên có điều kiện thuận lợi cho các đàn dơi sinh sống trong động, ngoài ra còn có nhiều loài chim, bò sát, cá sinh sống xung quanh.
Một điều đặc biệt về hang động này mà giờ em mới chia sẻ cho quý vị đó là động Puông này được gắn liền với truyền thuyết, sự tích về ông Tài Ngào được nhân dân địa phương lưu truyền lại từ đời này qua đời khác. Truyện kể rằng: “Thủa ấy con sông Năng bắt nguồn từ Phja En chảy về ồ ạt tới bản Vài thì bị dãy núi Puông chặn đứng lại, dòng nước ứ lại làm ngập úng hết cả bản làng. Ngọc Hoàng đã sai ông Tài Ngào được người dân gọi là người khổng lồ xuống đục núi, giải phóng dòng nước dữ để cứu dân. Từ đó, hình thành nên Động Puông, những hòn đá do ông Tài Ngào khoét núi ném về phía sau đã tạo thành thác Đầu Đẳng ngày nay”.
Động Puông có hai động liền kề nhau, động ở trên cao gọi là Động Trên theo tiếng địa phương gọi là “Puông Tềnh”, động dưới thấp gọi là Động Dưới “Puông Tẩu” hoặc “Puông Nặm”. Trong động có 2 lối lên xuống, ở Động Puông dưới có sự kết hợp cả cảnh đẹp của sông nước hòa quyện cùng vẻ đẹp tự nhiên của nhũ đá tạo nên một sức hấp dẫn huyền ảo. Quý đoàn nhà mình có thể theo chân em đi sâu vào trong động chúng ra có thể thấy được trong động có một nhũ đá giống “ông Bụt” phúc hậu đang ngồi trên ngai vàng thư thái, an nhàn ngắm cảnh non nước mây trời. Ở Động Trên có rất nhiều thềm đá, các nhũ đá tạo thành ruộng, vườn ao cá, nơi chăn nuôi, dân địa phương gọi những đám ruộng của "bà phù thủy". Bắt đầu vào trong động, ta bắt gặp các dải đá xếp thành từng khu, từng cung bậc như những đám ruộng bậc thang của đồng bào miền núi. Phía trên trần động là các nhũ đá như những bầu sữa mẹ rỏ xuống ngày đêm tí tách. Bên trong động còn có giếng nước, có cảnh trông như một vườn cây trái xum xuê.
Đến với Động Puông được chiêm ngưỡng những cảnh quan kỳ thú sinh động, kết hợp tất cả các yếu tố tinh hoa của sông núi, nước non. Bên ngoài là sự phong phú của hệ sinh thái, vào trong động, dưới ánh sáng của đèn, đuốc thì các nhũ đá sẽ hiện lên với muôn hình khối chập chờn, di động kỳ ảo như chốn tiên cảnh trong truyện cổ tích. Động Puông như thể đã được tạo hóa sắp đặt nên cảnh thần tiên giữa lòng trần thế, để khi mỗi đoàn khách đến đây tham quan, nghỉ ngơi, giải trí sẽ chiêm ngưỡng được vẻ đẹp tạo hóa của hang động này.
Đến với du lịch hồ Ba Bể, ngoài việc đắm mình, thưởng ngoạn vẻ đẹp nên thơ của các hang động, các điểm vòng quanh hồ thì du khách còn được vãn cảnh đền An Mạ - được coi là điểm đến tâm linh tọa lạc trên đảo An Mã giữa hồ, để cầu may mắn và bình an. Ngôi đền cổ bằng gỗ lợp ngói vẩy rồng với chiều dài 9m, rộng 6m, được trùng tu vào năm 2007
An Mã là một hòn đảo đá vôi, nằm ở vị trí bể hai (Pé Lù), cao khoảng 30m so với mực nước hồ. Đảo có hình dáng như hình con ngựa đang lội nước, khum hình mai rùa, khắp đảo phủ xanh cây cối, là điểm thuận tiện để quan sát cảnh quan vùng hồ. Trên đảo có ngôi đền An Mạ, thờ Phật, Mẫu Thượng Ngàn, Chúa Sơn Trang, Đức Thánh Trần... Đây vốn là ngôi đền cổ được trùng tu xây dựng lại vào năm 2007, có chiều dài 9m, rộng 6m, vật liệu làm bằng gỗ, lợp ngói vẩy.
Đền An Mạ có ý nghĩa linh thiêng, gắn với sự tích Hồ Ba Bể.
Như em đã kể khi chúng ta được tham qua hồ Ba Bể, em sẽ kể lại chi tiết đó cho quý đoàn mình được nghe nếu như ai chưa nhớ lại được ạ, Chuyện kể rằng ngày xưa cả vùng Hồ Ba Bể ngày nay là một vùng đất đai trù phú, cây cối tốt tươi. Rồi bỗng một đêm trời nổi cơn thịnh nộ, mưa đổ xuống ầm ầm, mặt đất nứt nẻ, cả vùng thung lũng Ba Bể sụt xuống trở thành biển nước mênh mông… Duy chỉ có nhà bà lão sống hiền lành, đức độ thoát nạn vì được thần linh mách bảo trước về trận hồng thủy sẽ xảy ra. Theo lời bà tiên dặn, bà tập hợp trai tráng trong làng đi về phương Bắc để tìm vùng đất mới. Đoàn người đi mãi không về. Bà chờ mãi, đến khi toàn thân biến thành đá đứng giữa biển trời Ba Bể. Nơi hòn đảo còn sót lại người ta gọi nơi đó là “Pò Giả Mải’ tức là đảo “Bà Góa” ngày nay. Nhờ ơn Bà Góa sống hiền lành, đức độ, được thần tiên mách bảo “Trận Hồng Thủy sẽ xảy ra” để cứu vớt dân làng, cư dân địa phương đã lập đền thờ ở hòn đảo lớn nhất ở giữa hồ Ba Bể. Hằng năm, cứ vào ngày 10 đến 12 tháng giêng âm lịch, dân làng lại tổ chức Hội Lồng Tồng, đến lễ đền để cầu an, cầu phúc.
Đối với người dân địa phương, đền An Mạ còn gắn với một sự kiện khác. Tương truyền rằng đền là nơi thờ các vị trung thần nhà Mạc trong cuộc chiến tranh chống phong kiến Lê Mạc, sau khi thua trận đã chạy đến động Puông rồi tuẫn tiết tại đó. Để tưởng nhớ các vị trung thần, người dân nơi đây đã dựng đền thờ họ Mạc, song sợ bị các quan quân nhà Lê trả thù nên đổi tên thành đền thờ họ Mạ.
Về cái tên An Mạ của ngôi đền, có người cho rằng đền này lập lên để thờ các vị trung thần, người dân nơi đây đã dựng đền thờ họ Mạc như đã nói ở trên, nhưng vì sợ bị các quan quân nhà Lê trả thù nên đổi tên thành đền thờ họ Mạ. Cũng có người cho rằng thực chất là đền An Mã – nhưng để không trùng tên với đảo An Mã nên gọi chệch đi là đền An Mạ.
Dân gian truyền rằng đền An Mạ rất linh thiêng, người thành tâm đến đây cầu gì được nấy. Không chỉ người trong cùng, nhiều người từ xa xôi đến đây cầu duyên, cầu tự, cầu công danh, tài lộc đều toại nguyện.
Chưa biết thực hư câu chuyện ngôi đền linh nghiệm đến đâu, nhưng được du thuyền trên hồ Ba Bể ngắm bình minh hay lãng đãng hoàng hôn, thảnh thơi lên đảo Pé Lù thăm ngôi đền cổ kính nằm giữa rừng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, thắp nén tâm hương tìm sự bình an tĩnh tại trong tâm hồn em tin chắc hẳn đây sẽ là một kỉ niệm khó phai mờ trong kí ức của môi du khách khi được trải nghiệm.
Hội đền An Mạ được tổ chức vào ngày 6 tháng hai âm lịch hàng năm. Quý vị đến đây, ngoài ý nghĩa tâm linh còn được thưởng ngoạn nhiều loại phong lan quý, quanh năm hoa nở; ngắm cảnh hồ xanh biếc giữa không khí trong lành, yên bình, xua đi bao mệt mỏi, vướng bận của cuộc sống.
Trước khi kết thúc chuyến đi tại Bắc Kạn, còn một điều nữa em chưa bật mí đến với đoàn nhà mình, mỗi người chúng ta khi đi, khi hoạt động sẽ tốn rất nhiều năng lượng và em thường thấy cách bổ sung năng lượng theo em thì chắc chắn sẽ không thể thiếu việc ăn uống rồi ạ. Như vậy đoàn chúng ta đã đi qua những địa điểm nổi tiếng của Bắc Kạn rồi thì quý vị có biết mình đang chưa biết điều gì về Bắc Kạn không ạ? Dạ vâng rất đúng rồi ạ, đó chính là đặc sản của Bắc Kạn ạ. Đặc sản nổi tiếng nhất của tỉnh Bắc Kạn theo em biết đó chính là miến dong Na Rì.
Thưa quý vị, từ những năm 60 của thế kỷ trước, Na Rì được ví là vùng đất miến của tỉnh Bắc Kạn. Cũng từ đó câu chuyện về nghề làm miến dong, một món đặc sản được làm ra từ những đôi bàn tay khéo léo và nguyên liệu bột dong thuần khiết luôn là niềm tự hào của người dân nơi đây. Đến Na Rì trong những ngày cuối năm này chúng tôi được ngắm nhìn từng khoảng sân, góc vườn của các hộ gia đình trải rộng những tấm phên với những sợi miến óng ả phơi dưới nắng vàng.
Em xin phép quý đoàn nhà mình cho em được nói qua một chút hiểu biết của em về đặc sản miến Na Rì ở đây ạ. Đi hơn 40 km về phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Kạn, huyện Na Rì hiện ra trước mặt chúng tôi là một vùng núi non hùng vĩ. Vượt qua đèo Áng Toòng là địa phận của các xã: Côn Minh, Hảo Nghĩa, Cư Lễ, Lam Sơn, thị trấn Yến Lạc, chúng tôi thấy các xưởng sản xuất, các hộ gia đình, tất cả đều đang tất bật, khẩn trương nhưng rất đỗi thuần thục với những công đoạn làm miến, một nghề truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo những người làm nghề miến lâu năm kể lại, trước đây người dân địa phương đã trồng dong riềng lấy củ để ăn. Đến khoảng những năm 80 của thế kỷ trước thì nghề miến phát triển mạnh, nhiều gia đình từ làm nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi kết hợp làm miến hoặc chuyển hẳn sang làm nghề miến. Tuy nhiên, những năm đầu bà con chỉ nghiền lấy tinh bột, vận chuyển đi bán tại các tỉnh miền xuôi, sau đó sản xuất nhỏ lẻ để phục vụ trong phạm vi gia đình.
Ngày nay, quy trình sản xuất hiện đại với đủ loại máy móc hỗ trợ nên nghề làm miến dong đã trở thành một nghề giúp nhiều hộ nông dân xóa đói, giảm nghèo và làm giàu hiệu quả. Hiện trên địa bàn huyện Na Rì đã có các Hợp tác xã, các xưởng và cơ sở chuyên sản xuất miến, vừa sản xuất tinh bột vừa làm miến, cho nên diện tích dong riềng toàn huyện trồng đều được tận dụng, thu mua tối đa.
Miến dong Bắc Kạn nói chung đều có hương vị đặc biệt, được chế biến theo quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Với nguồn nguyên liệu thuần khiết là bột dong riềng, hoàn toàn không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào, bởi vậy miến dong ở Na Rì luôn chinh phục được cả những khách hàng khó tính nhất.
Miến có màu xám đục, không phải vàng óng như các loại miến khác. Sợi miến có màu hơi nâu do nguyên liệu từ củ dong riềng được giữ ở dạng nguyên chất, không dùng chất tẩy, không pha trộn với các loại bột khác. Sợi miến cũng không cắt ngắn mà để dài, cuộn to, dai, dòn, có hương thơm đặc trưng của bột dong. Sợi miến sau khi nấu có thể để lâu mà không bị bở, nát và không có sạn.
Để tạo ra được những sợi miến ngon như vậy thì quý vị có thể thấy đây là cả một quá trình sản xuất đòi hòi cẩn thận và tỉ mỉ. Củ dong già sau khi thu về, rửa sạch đất, cát rồi đem nghiền lọc bột. Bột dong thô còn phải qua nhiều lần đánh nhuyễn, cho vào bể lắng, bơm đầy nước cho tinh bột lắng xuống. Cứ như vậy, sau khoảng 10 lần lọc mới thu về bột dong nguyên chất đưa vào sử dụng. Người sản xuất sẽ trộn lẫn 90% bột dong sống cộng với 10% bột đun chín, kết hợp với nguồn nước đặc biệt của địa phương tạo thành một hỗn hợp sánh đem vào khuôn ép hoặc tráng trên mặt chảo đường kính 1m theo kiểu tráng bánh cuốn, độ mỏng từ 1 - 1,2mm. Chờ khoảng 30 - 40 giây đến khi bánh chín, dùng ống nứa cuốn bánh ra trải căng trên phên. Mỗi phên bánh có kích thước dài 2-2,5m, rộng 0,6-0,7m được đem phơi nắng sơ qua.
Theo kinh nghiệm của những người làm miến lâu năm, miến được phơi nắng cho đến khi cầm tay thấy bánh hơi mềm, ráp tay là có thể mang đi cắt, nếu bánh tráng ẩm quá sẽ không cắt tạo sợi được, nếu khô quá cắt sẽ bị gãy vụn. Những sợi miến dài như vậy lại một lần nữa được đem phơi trên những giàn cao thoáng. Và cuối cùng là miến được cắt đoạn dài khoảng 40cm, đóng gói rồi đưa ra thị trường. Điều quyết định chất lượng miến có ngon hay không là phụ thuộc vào khâu pha chế tinh bột. Với cách làm tưởng như khá đơn giản nhưng lại không dễ chút nào, nếu không tuân thủ quy trình là miến có thể bị khô, dễ gãy và sợi miến không được đều, đẹp.
Có thể nói từ một món ăn phục vụ trong phạm vi gia đình, thôn, bản, qua thời gian, Miến dong Na Rì đã trở thành hàng hoá có giá trị, được người nội trợ nhiều nơi tin dùng. Đặc biệt, những người con của Bắc Kạn xa quê đã lâu, mỗi khi có dịp về thăm quê cũng đều tìm mua miến Na Rì để phục vụ bữa ăn ngày Tết, bởi miến có hương vị đặc trưng gợi nhớ về quê hương, không thể nào quên.
Trong mâm cỗ truyền thống ngày Tết của người Việt, bao giờ cũng có một bát canh miến. Và cũng như vậy đối với người Bắc Kạn, bát canh miến Na Rì nấu với thịt gà, kèm mộc nhĩ, nấm hương không đơn giản chỉ là một món ăn, mà nó còn mang đầy hương vị quê hương ấm áp tình người, góp phần làm cho những bữa cơm tất niên, những bữa cơm sum vầy của nhiều gia đình thêm đậm đà, ấm áp và yêu thương.
Dạ vâng vậy là chúng ta cũng đã kết thúc chuyến hành trình tại Bắc Kạn, quý đoàn nhà mình cảm thấy như thế nào ạ? Có người vui ạ, có người lại tiếc vì muốn ở lại thêm phải không ạ?
Để lấy lại không khí cho điểm tham quan tiếp theo, em có thể xin phép hát một bài hát quý vị yêu cầu để gửi tặng quý đoàn nhà mình được không ạ? Dạ vâng em cảm ơn ạ.
Vậy là cũng kết thúc được chuyến hành trình của đoàn nhà mình được 1/3 rồi ạ. Hôm nay quý vị cảm thấy thế nào ạ? Dù có thế nào thì em mong là đoàn nhà mình cũng sẽ giữ vững khí thế giống như ngày hôm nay được không ạ? Cũng tối rồi và đến giờ ăn tối của đoàn mình, hiện bác tài đang đưa đoàn nhà mình đến một nhà hàng sẽ toàn những đặc sản của Bắc Kạn để đoàn nhà mình có thể thưởng thức một cách trọn vẹn nhất những món ăn ngon nhất của Bắc Kạn. Sau khi ăn xong đoàn nhà mình sẽ được tự do đi tham quan và đêm đoàn nhà mình sẽ nghỉ ngơi tại khách sạn Thái Bình ạ. Cho em mạn phép xin hỏi đêm hôm qua quý vị có ngủ ngon không ạ? Mọi người ăn sáng hôm nay có cảm thấy ngon miệng không ạ? Hôm nay là ngày thứ 2 trong chuyến hành trình của chúng ta. Và điểm đến tiếp theo của chúng ta sẽ nằm ở tỉnh Cao Bằng. Cho phép em được giới thiệu một vài nét để quý đoàn nhà mình được hiểu rõ hơn về tỉnh Cao Bằng ạ. Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vùng Đông Bắc nước ta, phía Bắc và Đông Bắc giáp Quảng Tây (Trung Quốc) với đường biên giới dài trên 333km; phía Tây giáp 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, phía Nam giáp 2 tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn. Cao Bằng có diện tích tự nhiên 6.703,42 km2; là cao nguyên đá vôi xen với đất, có độ cao trung bình trên 200m, vùng sát biên có độ cao từ 600m - 1.300m so với mặt nước biển. Núi rừng chiếm hơn 90% diện tích toàn tỉnh, đất bằng để canh tác chỉ có gần 10%. Dân số hiện nay có trên 519 nghìn người.
Cao Bằng nổi tiếng với Khu di tích lịch sử Pác Bó - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước. Cao Bằng cũng được biết đến với hình ảnh Thác Bản Giốc hùng vỹ hòa quyện giữa cảnh quan núi rừng, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình; cùng với quần thể hang động nguyên sơ với những tiềm năng du lịch văn hóa, tâm linh độc đáo, đặc sắc, là sức hấp dẫn khó cưỡng với du khách gần xa.
Ở Cao Bằng có những câu thơ, câu hát rất là hay nhưng 2 câu hát để lại trong em ấn tượng nhất là 2 câu sau ạ.
"Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”
Chính những câu hát mộc mạc, giản dị đã ghim sâu vào lòng người về vẻ đẹp hùng vĩ của nước non Cao Bằng. Em xin bật mí 1 chút về điểm đến tiếp theo của chúng ta tại Cao Bằng, có quý vị nào đoán được không ạ? Rất đúng ạ, em đã nghe được một quý khách nào đó đã nói, đó chính là thác Bản Giốc ạ. Em xin phép được giới thiệu qua về thác Bản Giốc ở Cao Bằng cho mọi người được cảm nhận trong tưởng tượng một chút ạ.
Bản Giốc hiện nay đã và đang là một thác nước hùng vĩ và đẹp nhất của Việt Nam, nằm ở địa phận xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Thác có độ cao trên 30m với nhiều khối nước lớn đổ xuống qua nhiều tầng đá vôi.
Thác Bản Giốc được coi là nơi có cảnh sắc hùng vĩ, như tiên cảnh ở dòng Quây Sơn, Cao Bằng. Dòng thác không chỉ mang vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mà còn được đắm mình trong câu chuyện tình yêu đậm màu sắc huyền thoại của đôi trai gái miền sơn cước.
Nằm trên đường biên giới Việt - Trung, thác Bản Giốc được mệnh danh là một trong những thác nước đẹp nhất Việt Nam, là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á và là thác lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới. Thác Bản Giốc cao hơn 60m với chỗ dốc dài nhất 30m. Chia thành nhiều tầng đá vôi nối tiếp nhau và trải rộng đến cả trăm mét. Giữa thác có mô đất rộng với nhiều cây xanh bao phủ, chia con sông thành ba nhánh khác nhau.
Nước dòng Quây Sơn có màu ngọc bích trong tiết trời vào thu. Trên mặt sông, hơi nước hình thành một khoảng sương mù, khi ánh nắng chiếu vào mang đến khung cảnh huyền ảo. Cảnh đẹp say đắm lòng người với từng tầng thác nối tiếp nhau tuôn nước ồ ạt, bọt tung trắng xóa.
Chắc hẳn một vài quý vị ở đây cũng sẽ biết thác Bản Giốc đang là một trong những thác nước nổi tiếng không chỉ ở nước ta mà còn được bạn bè quốc tế biết đến. Nằm trong top 4 thác nước xuyên quốc gia lớn nhất trên toàn thế giới, địa điểm này ngày càng thu hút được đông đảo rất nhiều du khách du lịch Cao Bằng đến chiêm ngưỡng.
Thác nằm giữa biên giới Việt – Trung nên có 2 tên. Nếu nhìn từ chân thác thì có 2 phần thác bên trái (gọi là thác phụ) và phần thác bên phải (gọi là thác chính). Thác phụ và một nửa thác chính bên tay trái thuộc về chủ quyền Việt Nam. Nửa còn lại bên phải của thác chính thuộc về Trung Quốc.
Việt Nam gọi thác phụ là thác Cao, thác chính là thác Thấp nhưng gộp cả 2 phần thác thì gọi chung địa danh này là thác Bản Giốc.
Phía Trung Quốc lại chia thành 2 thác riêng. Thác chính là thác Đức Thiên còn thác phụ là thác Bản Ước.
Một trong những điều tạo nên vẻ đẹp của thác Bản Giốc là ở phần thác chính, thác không chảy thẳng 1 dải từ trên xuống mà có những mô đất mấp mô, chia tầng như cầu thang, khiến nước sông Quây Sơn chảy qua đây chia tách thành nhiều dải, tạo thành một mảng trắng xóa giữa đất trời Cao Bằng, xen giữa màu xanh cây lá.
Đến đây quý đoàn nhà mình sẽ được ngồi lên chiếc thuyền đi lòng vòng quanh chân thác trong khoảng 15 phút. Theo nhiều người, khoảng thời gian đẹp nhất để đến Cao Bằng là tháng 9 đến tháng 12, khi thác Bản Giốc đầy nước trong xanh. Mùa hè, nơi đây cũng là điểm đến lý tưởng bởi thời tiết trong lành cùng làn nước mát lạnh, xua tan cái nắng oi ả.
Cũng bởi nằm ở địa đầu tổ quốc, với địa hình đón gió nên khí hậu ở thác Bản Giốc Cao Bằng được phân chia thành 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, thác Bản Giốc lại đón những cơn mưa rào, khiến dòng nước chảy càng ồ ạt, xiết mạnh đổ xuống tung bọt trắng xóa. Nhiều người cho rằng đây chính khoảng thời gian lý tưởng nhất để ngắm nhìn vẻ đẹp và cảm nhận sức mạnh hùng vĩ của thiên nhiên. Tuy nhiên với những cơn mưa nó sẽ rất đẹp đối với những người có cảm giác thích ngắm nhìn bầu trời, nhưng sẽ là một điều không vui dành cho những chuyến tham quan, thì từ khoảng tháng 9 trở đi là lúc thác Bản Giốc bước vào mùa thu và khô ráo nhất. Bầu trời trong xanh và khí hậu lúc này vô cùng mát mẻ. Điều đặc biệt nhất là bạn vẫn có thể chiêm ngưỡng dòng sông Quây Sơn khi ấy sóng sánh một màu xanh ngọc - một tuyệt tác từ bàn tay của mẹ thiên nhiên.
Mùa khô thác Bản Giốc Cao Bằng bắt đầu từ những ngày tháng 10 và kéo dài đến tận tháng 5 năm sau. Khung cảnh Bản Giốc vốn dĩ thanh bình nay còn yên bình và tĩnh lặng. Bức tranh thiên nhiên ngập tràn sắc xanh trong mát mẻ nay đã hòa cùng màu vàng ươm của lúa chín, tạo nên một khung cảnh chẳng thể nào mà lãng mạn hơn. Vào mùa khô, dòng nước chảy không xiết và mạnh như tầm tháng 6, thay vào đó là một vẻ trầm mặc, an nhiên hơn. Phía xa xa, những ruộng lúa chín, ngả nghiêng theo từng làn gió mát rượi. Tất cả đã góp phần tạo nên bức tranh thiên nhiên muôn màu, sống động nhưng cũng vô cùng yên bình nơi đây.
Đoàn nhà mình tiếp tục cùng em làm khỏe đôi chân của mình được không ạ? Chỉ cách thác Bản Giốc chừng 500m điểm đến tiếp theo trong hành trình của nhà mình chính là chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc. Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc tọa lạc tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc là một ngôi chùa nổi tiếng nằm ở lưng chừng núi, gần với Thác Bản Giốc Cao Bằng.
Chùa Phật Tích Trúc Lâm là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng tại miền biên viễn phía Bắc của Tổ quốc ta. Ngôi chùa này thu hút mọi miền du khách gần xa không chỉ bởi sự linh thiêng mà còn bởi lối kiến trúc Phật giáo đặc sắc, cùng khung cảnh thiên nhiên hoang sơ đầy thanh bình. Giống như một tuyệt tác được chắp bút bởi một nghệ sĩ tài năng, chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc chắc chắn sẽ là một điểm đến khiến du khách mê mẩn ngay từ giây phút đầu tiên.
Chùa Phật Tích Trúc Lâm nằm ở trên một vùng đất trống ngay lưng chừng núi Phia Nhằm, thuộc địa phận xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Ngôi chùa này có địa thế hết sức đặc biệt, phía Bắc giáp với tỉnh lộ 211, đứng từ đây có thể nhìn thẳng ra thác Bản Giốc, phía Nam lại tựa lưng vào núi Phia Nhằm. Tọa lạc tại vị trí “thiên thời địa lợi” như vậy, khung cảnh xung quanh ngôi chùa này đẹp khó đến mức em không thể dùng mỹ từ nào diễn đạt cho trọn vẹn.
Bên ngoài như đoàn nhà mình có thể thấy chùa Phật Tích Trúc Lâm được xây từ các vật liệu quen thuộc theo lối kiến trúc thuần túy Việt Nam với gạch ngói cổ, gỗ lim, mái đao, câu đối,... Đi sâu vào phía bên trong chùa quý vị sẽ được trông thấy thiết kế kỳ công với các hiện vật như Tam Quan, Tòa Tam Bảo, Đức Thánh Trần Nhà Tổ, Khuôn viên Quan Âm Bồ Tát, vườn tượng La Hán, đền Mẫu thờ Triệu Tổ Hùng Vương, vườn địa đàng,... và một vài công trình Phật giáo khác.
Điểm nhấn nổi bật ở ngôi chùa này chính là lầu chuông Đại hồng chung Thiên Băng. Đây là một lầu chuông có trọng lượng lên tới 1,5 tấn, thiết kế hoàn toàn bằng đồng. Đặc biệt, thiết kế và lối kiến trúc tinh xảo hiện diện trên lầu chuông luôn có sức hấp dẫn đối với khách du lịch thập phương.
Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc còn là nơi đặt đền thờ vị anh hùng dân tộc Nùng Trí Cao. Đây là một nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng, tài thao lược và quân sự xuất chúng, đặc biệt là có công lớn trong việc bảo vệ biên giới phía Bắc nước ta. Anh hùng Nùng Trí Cao quả thực là một biểu tượng văn hóa của người dân vùng Cao Bằng. Và câu chuyện về người anh hùng quả cảm ấy sẽ được truyền tụng lại đến muôn đời sau.
Dù cho có gần ngay một khu thắng cảnh nổi tiếng, thu hút đông đảo rất nhiều khách du lịch như thác Bản Giốc nhưng không gian chùa Phật Tích Trúc Lâm như quý đoàn đã thấy không gian ở đây lúc nào cũng được bao trùm bởi sự yên bình và thanh tinh. Hòa cùng tiếng chuông ngân vang là tiếng thác nước chảy xiết, cùng với cảnh sắc núi rừng trùng điệp tạo nên một bức tranh thiên nhiên sống động đầy nhạc họa.
Mặc dù nằm ở địa thế trên núi cao, tuy nhiên chùa Phật Tích Trúc Lâm vẫn quy tụ được hàng trăm Phật tử từ mọi miền tổ quốc hành hương tới đất Phật. Đến với chùa Phật Tích Trúc Lâm, dường như chúng ta có thể gạt bỏ được mọi phiền muộn, mệt mỏi của cuộc sống thường nhật sẽ tan biến giữa núi rừng và mây trời lồng lộng.
Tiếp đến đây, đoàn nhà mình sẽ được ẩn mình trong ngọn núi hùng vĩ tại bản Gun, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng, đó chính là động Ngườm Ngao cách Thác Bản Giốc chừng khoảng 3km.
Hang động này có lịch sử hình thành cách đây khoảng 300 triệu năm. Bởi sự phát hiện và đưa vào khai thác du lịch chưa lâu nên Ngườm Ngao vẫn giữ trọn nét đẹp hoang sơ vốn có.
Ngườm Ngao theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa là hang Cọp. Du khách sẽ được người dân địa phương kể nhiều câu chuyện xung quanh tên gọi hang động. Trong đó, người ta tin rằng, xưa kia có nhiều hổ dữ sinh sống ở trong động. Tuy nhiên, một số người lại cho rằng tên gọi xuất phát từ việc đứng ở trong động, nghe tiếng nước chảy hòa vào nhau giống như tiếng hổ gầm nên thường gọi là Hang Hổ.
Từ thành phố Cao Bằng, di chuyển theo đường vượt Đèo Mã Phục và cả đèo Khau Liên chừng 60km. Đến được thị trấn Trùng Khánh, bạn tiếp tục đi thêm quãng đường dài gần 30km sẽ bắt gặp Thác Bản Giốc. Đường gần đến thác, theo hướng đường tỉnh lộ 206, bạn thấy biển chỉ dẫn về động Ngườm Ngao thì rẽ vào.
Thời tiết Cao Bằng phân chia thành 2 mùa rõ rệt là mùa nước và mùa khô. Mỗi mùa lại mang đến vẻ đẹp thật riêng biệt cho động Ngườm Ngao.
Mùa nước bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 9. Lúc này động có nhiều dòng nước chảy, khi có ánh điện sáng chiếu vào, toàn cảnh động hiện lên chẳng khác nào những viên ngọc vô cùng lấp lánh, quý đoàn đến đây sẽ cảm nhận được bầu không khí cực kỳ thoáng đãng, trong lành, thậm chí là se lạnh.
Thời điểm tháng 10 đến tháng 4 năm sau, Cao Bằng bước vào mùa khô. Động Ngườm Ngao lúc này không còn nước nên việc di chuyển, thám hiểm sẽ trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn.
Chiều dài của động lên đến 2144 mét, có 3 cửa chính đi vào với lần lượt tên gọi cho từng cửa là:
Cửa Ngườm Ngao cách chân núi chừng vài trăm bậc thang.
Cửa Ngườm Lồm quanh năm mát lạnh và ẩn mình ở dưới khối đá dưới chân núi.
Cửa Bản Thuôn nằm phía phía sau núi, kề bản Thuôn của người dân tộc Tày.
Không chỉ sở hữu không gian vô cùng rộng lớn, động Ngườm Ngao còn được tạo hóa ưu ái ban tặng hệ thống nhũ đã độc đáo, mọc từ trên xuống hay nhô từ mặt đất lên, kích thước to nhỏ khác nhau. Tất cả đan xen với nhau tạo thành một mê cung kỳ diệu.Chắc hẳn quý vị đang cảm thấy rất thoải mái, ở đây quý vị có thể phát huy trí tưởng tượng của mình về hình thù nhũ đá kỳ thú. Lúc thì như những búp sen đang nở rộ, khi thì như nàng thiếu nữ đang chải mái tóc dài…
Một trong những điểm nhấn đặc biệt của động Ngườm Ngao Cao Bằng đó là màu sắc nhũ đá khác lạ. Điều này xuất phát từ lượng canxi chứa nhiều tạp chất khác nhau.
Nhờ diện tích rộng lớn mà động Ngườm Ngao được chia thành nhiều khu vực. Khu ‘tứ trụ’. Có 4 cột đá dựng thành vách tựa cột chống trời khổng lồ. Khu trung tâm có diện tích rộng nhất và khu châu báu cuối cùng. Tên gọi của khu châu báu xuất phát từ việc quy tụ nhiều tảng thạch nhũ lấp lánh, giống như vàng bạc kho báu ẩn giấu mình trong hang động.
Không chỉ thế, một chút nữa quý khách sẽ được khám phá động Ngườm Ngao, quý vị còn bắt gặp một vài con suối nhỏ, nước chảy róc rách. Lối đi trong động đôi khi sẽ khiến quý vị cảm thấy khó khăn, nhiều vách đá nhỏ hẹp chỉ vừa một người đi, hay có tảng nhũ đá chắn ngang khiến người đi phải cúi gập người mới qua được.
Thế nhưng đoàn nhà mình đừng nản chí bởi càng đi sâu vào bên trong hang động. Bạn sẽ càng thích thú khi được tận mắt chiêm ngưỡng tuyệt tác thiên nhiên dành tặng cho hang động Ngườm Ngao này.
Do đặc thù địa hình động Ngườm Ngao Cao Bằng đặc trưng nên trong quá trình trải nghiệm, khám phá nơi này, em xin phép lưu ý cho đoàn nhà mình một vài điều ạ.
Khi đi vào mùa nước, hãy chuẩn bị đèn pin, trang phục thoải mái, nhất là đi giày thể thao tính năng chống nước hoặc dép cao su, đảm bảo cho độ bám đế tốt. Bởi thời điểm đó, trong hang động có nhiều nước nên dễ xảy ra tình trạng trơn trượt nguy hiểm.
Chuẩn bị trang phục giữ ấm cơ thể khi đi vào hang, tránh bị cảm lạnh khi nhiệt độ luôn ở mức thấp hơn so với môi trường bên ngoài.
Đem theo dụng cụ y tế cơ bản như bông, gạc… phòng trừ trường hợp chân tay xây xát trong quá trình di chuyển.
Vậy là chúng ta lại tiếp tục xong tiếp 2/3 chuyến hành trình rồi ạ. Sau 2 ngày em được tham quan và được tìm hiểu cùng quý đoàn nhà mình thì em cảm thấy rất là vui, các cô chú anh chị trong đoàn của mình rất là thân thiện. Có quý vị nào có thể cho em biết cảm nhận của đoàn nhà mình hiện giờ được không ạ? Dạ vâng em cảm ơn ạ. Và giờ cũng chuẩn bị đến giờ để chuẩn bị cho bữa tối thì bác tài ơi, bác tài hãy đưa đoàn nhà mình về nhà hàng mà đoàn nhà mình đã đặt bàn đi ạ, chiếc bụng đói của mỗi quý vị trên đoàn xe đang cần được lấp đầy đồ ăn ạ. Ăn xong thì đoàn nhà mình sẽ di chuyển về khách sạn Thành Loan để nghỉ ngơi và tự do tham quan tại tỉnh Cao Bằng tuyệt vời này ạ.
Điểm tiếp theo và cũng là cuối cùng trong ngày hôm nay của chúng ta đó là đến một nơi tại tỉnh Cao Bằng. Nơi đây được xem là một khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia. Không đâu khác chính là khu di tích Pác Pó là một khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia - đặc biệt của Việt Nam, là nơi nổi tiếng gắn liền với các câu chuyện về Bác Hồ. Di tích thuộc bản Pác Pó xã Trường Hà huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng, cách thành phố Cao Bằng 52 km về phía Bắc. Ở Pác Pó có 4 câu thơ của Người với tiêu đề Tức cảnh Pác Pó mà em nghĩ sẽ rất hay khi mỗi một du khách đến thăm khu di tích lịch sử Pác Pó này:
"Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sang
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang".
Không chỉ thế đây còn là quần thể di tích cách mạng nổi tiếng, nơi đây sở hữu một vẻ đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh.Khu di tích bao gồm: nhà tưởng niệm Bác Hồ, hang Cốc Pó (tên địa phương có nghĩa là "đầu nguồn"), hang Lũng Lạn, hang Ngườm Vài (đều trên núi Các Mác), suối Lê nin, bàn đá nơi Bác Hồ làm việc, nền nhà ông Lý Quốc Súng, nền nhà ông La Thành, v.v...
Ngày nay, Pác Pó đã trở thành một quần thể di tích lịch sử văn hóa vô giá, không chỉ của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng mà còn là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, là nơi giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước cho các thế hệ con cháu người Việt Nam.
Pác Pó cách Hà Nội gần 300 km, cách thành phố Cao Bằng khoảng 50km. Pác Pó vào mỗi mùa đều mang trong mình một nét đẹp đặc trưng.
Tháng 10 đến tháng 5 năm sau: Mùa khô, nước xanh như ngọc. Đối với mùa khô này, suối Lê nin ở Pác bó chảy nhè nhẹ với màu xanh ngọc đặc trưng, có cảm giác nhẹ nhàng êm đềm với không gian tĩnh lặng.
Mùa Mưa, từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm: Nước suối chảy siết. Đối lập với mùa khô nước mùa này ở suối Lê- nin chảy siết hơn, thể hiện sự hùng vĩ, cây cối xanh tươi hơn, không còn cảnh đẹp êm đềm hiện ra nữa, thay vào đó là sự mạnh mẽ ôm trọn Pác bó.
Nước không còn chảy nhẹ nhàng mà đã bắt đầu chảy mạnh và xiết hơn, bọt bắn tung tóe khiến bạn ngỡ như làn mây trời đang lũ lượt kéo về khi mưa đến.
Đến tham quan khu di tích Pác Pó, đoàn nhà mình theo chuyến hành trình sẽ tham quan các điểm như sau:
Cụm di tích lịch sử đầu nguồn
- Hang Cốc Pó rộng khoảng 80m2, cửa hang chỉ một người đi vừa. Đây là nơi Bác và các đồng chí cán bộ cách mạng ở từ ngày 08/02/1941 đến trung tuần tháng 3 năm 1941. Trong hang hiện còn một bộ bàn ghế mà Bác đã từng ngồi làm việc với các cán bộ cách mạng và dịch các tài liệu quan trọng.Nền nhà ông Lý Quốc Súng là ngôi nhà Bác Hồ đã ở khi mới trở về Tổ quốc chỉ đạo cách mạng (từ ngày 28 tháng 01 đến ngày 07/02/1941). Ngôi nhà này được xây dựng khoảng năm 1937, theo kiểu nhà sàn ở địa phương.
Suối Lê Nin: là con suối có một thời gian ở Pác Pó, Bác thường ngồi câu cá ở đây. Đến nay, di tích vẫn giữ được cảnh quan tương đối nguyên vẹn.
Cột mốc 108: Nay là cột mốc số 675, là một trong 314 cột mốc biên giới Việt – Trung xưa, được làm bằng đá tảng nguyên khối, hình bầu dục, cao khoảng 70cm, bên trên khắc nội dung bằng tiếng Trung và tiếng Pháp.
Tiếp đến là nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và sân quảng trường: được xây dựng theo mô hình nhà sàn dân tộc, nằm trên dãy Linh Sơn, thuộc khu di tích Pác Bó, khánh thành năm 2011. Khu ruộng Nà Chang: có diện tích khoảng 5000m2, là nơi mít tinh đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện với nhân dân Pác Bó ngày 20/2/1961. Các công trình: nhà trưng bày, nhà đón tiếp.
Trong cụm di tích Kim Đồng thì đoàn chúng ta sẽ tham quan:
Mộ Kim Đồng: nằm dưới chân núi Tèo Lài, thuộc làng Nà Mạ. Hiện nay, toàn bộ khu vực này được xây tường rào bao quanh. Bên trái mộ Kim Đồng là mộ của mẹ Kim Đồng, phía sau là tượng đài Kim Đồng và bức tường nghệ thuật, thể hiện ý nghĩa 14 mùa xuân của Kim Đồng.Hang Nộc Én: nằm ở dãy núi Phia Đài và Phia U, phía sau làng Nà Mạ. Tại địa điểm này, vào tháng 8 năm 1942, Kim Đồng đã được Bác giao nhiệm vụ thông tin liên lạc, bảo vệ cách mạng.
Pò Đoi – Thoong Mạ: là nơi thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc (ngày 15/5/1941), do Kim Đồng là đội trưởng. Hiện nay, di tích đã được Tỉnh Đoàn Cao Bằng xây dựng nhà bia lưu niệm, ghi dấu sự kiện thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc và ghi danh những thành viên trong đội
Trong cụm di tích Bó Bẩm thì có núi Các Mác, suối Lê Nin, hang Đầu Hổ: là nơi nhân dân Cao Bằng đã tổ chức lễ truy điệu Bác (tháng 9 năm 1969). Nhà ông Dương Văn Đình: là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nói chuyện, về cuộc sống của nhân dân, nỗi khổ của người dân mất nước, tuyên truyền về cách mạng.
Tiếp đến cụm di tích Khuổi Nậm
Lán Khuổi Nậm: là nơi Bác ở lâu nhất. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho Bác, các đồng chí cán bộ đã làm thêm cho Người hai lán nữa (lán Khuổi Nặm II và III).Lán Khuổi Nặm có địa thế rất thuận lợi, nằm ngay ở cửa rừng, được che kín, nhìn bên ngoài vào không phát hiện được, nhưng ở bên trong quan sát ra thì rất rõ, khi có động tĩnh có thể rút lui, ngược dòng Khuổi Nặm qua mốc 109 sang Trung Quốc an toàn.
Lán được dựng theo kiểu nhà sàn dân tộc, với 2 gian nhỏ, có diện tích khoảng 12m2. Lán hiện nay mới được trùng tu lại trong khoảng thời gian gần đây.
2 hang động nổi tiếng không kém trong khu di tích Pác Bó là Hang Slí Điếng và hang Diêm Tiêu: là địa điểm được Bác sử dụng làm hòm thư bí mật, giai đoạn 1941 – 1945.
Hang Pác Pó - Di tích cách mạng tự hào đất Cao Bằng. Đây là nơi Bác Hồ đã từng sống, làm việc và trực tiếp lãnh đạo cách mạng nước ta. Không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử địa danh này còn thu hút khách bởi cảnh đẹp rất nên thơ, khiến cho người đi nhưng hồn vẫn ở lại. Pác Pó là di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng tại bản Pác Bó, xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng. Đây là địa điểm sống và làm việc của chủ tịch Hồ Chí Minh sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Người đã trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong giai đoạn đầu từ năm 1941 đến 1945. Di tích bao gồm các khu như hang Bo Bam, bãi Cò Rạc, núi Các Mác, suối Lênin và hang Cốc Bó.
Một số địa điểm như núi Các Mác, suối Lênin đã được Bác đặt tên cùng với bài thơ do chính mình sáng tác. Bài thơ ca ngợi về vẻ đẹp hoang sơ, tươi sáng của núi rừng Đông Bắc. Trong đó cũng không quên gửi gắm những thông điệp yêu nước, hy vọng về một ngày mai tươi sáng, được sống trong nền độc lập tự chủ dân tộc. Vì vậy, trong tour Thác Bản Giốc không thể thiếu lịch trình về với di tích cách mạng nổi tiếng này.Đặc biệt, nơi đây cũng đã từng diễn ra rất nhiều sự kiện quan trọng của Đảng. Trong đó có Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII, bầu Ban chấp hành Trung ương Đảng, thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh… Khu di tích chính là nơi khắc ghi những công lao của chủ tịch Hồ Chí Minh và các cán bộ cách mạng thời đó. Do vậy Pác Bó đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng mà bạn không thể bỏ qua khi đi du lịch Thác bản Giốc.
Ghé thăm khu di tích đoàn nhà mình có thể chiêm ngưỡng thấy một hẻm núi hình núi chữ U do nếp núi uốn cong tạo nên. Suối Lênin nằm ngay dưới chân núi Các Mác tạo nên hình ảnh hoang sơ, đằm thắm tình yêu của núi rừng.
Ngọn núi này sở hữu các vách đá lớn, rất nhiều thảm cỏ xanh rờn tạo nên cảnh đẹp vừa hùng vĩ lại vừa nên thơ. Bên cạnh đó, rất nhiều cây cổ thụ xum xuê len rợp bóng núi rừng làm cho không khí càng trở nên trong lành và thư thái.
Dưới chân núi, phía bên ngoài hang chính là địa điểm trước đây Bác thường nấu cơm. Dọc theo con đường đá từ sông Lênin đoàn chúng ta sẽ được nhìn thấy vườn trúc trước đây Người từng trồng. Bóng cây râm mát chắc chắn sẽ làm cho đoàn nhà mình không còn cảm thấy cái nóng oi ả khi đến đây vào mùa hè.
Suối Lê-nin có một màu xanh trong vắt khiến mọi người lần đầu đến đây đều muốn chạm tay vào để cảm nhận sự mát lạnh của dòng nước. Từ trên bờ quý vị cũng có thể nhìn thấy dưới đáy suối, từng viên sỏi óng ánh hay những chú cá bơi lội tung tăng.
Ở Cao Bằng có những đặc sản mà quý đoàn nhà mình không thể không nếm thử.
Lạp xưởng từ lâu đã trở thành món ăn phổ biến tại Việt Nam. Mặc dù vậy để nói là ngon nhất có lẽ phải thử Lạp xưởng Tây Bắc tại Cao Bằng. Hương vị vô cùng tuyệt vời, có chút chua của lá, quả cây mắc mật, có chút dai của lòng non và thơm ngon của thịt. Dù có ăn nhiều cũng không bị ngán như những nơi khác.
Lạp xưởng gác bếp làm từ thịt lợn nạc ướp cùng các loại gia vị riêng biệt. Nguyên liệu rất sạch sẽ, không có chất bảo quản quy trình chế biến cũng vệ sinh nên quý vị hoàn toàn có thể yên tâm khi dùng hoặc mua tặng người thân.Ngoài lạp xưởng, vịt quay 7 vị thì bộ đôi Thịt trâu gác bếp và thịt lợn gác bếp cũng luôn khiến cho quý vị phải xuýt xoa khen ngợi. Từng thớ thịt nạc dài sau khi tẩm gia vị sẽ được treo ở gác bếp cho đến khi săn lại. Những con vịt ngon, béo được lựa chọn để chế biến. Đầu bếp sử dụng 7 loại gia vị dân tộc để ướp thịt, sau đó cho vào cả bên trong bụng vịt để thịt thêm đậm đà. Phía bên ngoài dùng lạt tre để khâu lại như vậy gia vị sẽ không bị tràn ra ngoài. Tiếp theo đó cho vịt trần qua nước sôi rồi quét dấm, mật ong ở bên ngoài và đem quay.
Đặc sản cuối cùng của Cao Bằng là món bánh khảo. Ngay từ bước đầu tiên lựa chọn nguyên liệu đã rất kỹ càng. Vỏ bánh được làm từ bột gạo nếp thơm ngon. Bên cạnh đó, thợ làm bánh lựa chọn đường phèn hoặc đường phên nên vị ngọt vừa phải. Khi ăn quý vị có thể cảm nhận hương vị lan tỏa ngay trong miệng. Hơn nữa bánh khảo này không hề có chất bảo quản nên rất tốt cho sức khỏe.
Di tích Pác Pó sẽ giúp quý đoàn có thể hiểu rõ hơn về công lao to lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta. Người đã hy sinh tất cả để cuộc sống trở nên ấm no như ngày hôm nay. Ngoài ra, chúng ta cũng được tận hưởng không gian trong lành, cảm nhận núi rừng Cao Bằng. Và đặc biệt, thưởng thức các món ăn đặc sản vô cùng hấp dẫn, nức tiếng tại nơi đây. Món ăn đặc sản cuối cùng ở Cao Bằng em muốn nói đến chính là món bánh cuốn, ngồi trên xe nhìn sang 2 bên đường chắc hẳn quý đoàn nhà mình đã thấy rất nhiều hàng bánh cuốn có đúng không ạ? Trước khi mọi người dừng xe để đến chỗ ăn thì em xin được mạn phép giới thiệu về món bánh cuốn nức tiếng tại Cao Bằng này ạ.Bánh cuốn Cao Bằng có hương vị rất riêng, cách làm và cách thưởng thức cũng nhẹ nhàng, bình dị gần gũi với cuộc sống của người dân miền núi.
Đồ nghề để làm tráng bánh có lẽ là ở đâu cũng sẽ giống nhau phải không ạ? Ở Cao Bằng đồ nghề mà người dân hay dùng để tạo ra những bánh tráng cuốn tay đó chính là chiếc nồi gang to, một chiếc khuôn hình tròn vừa với miệng nồi làm bằng cật tre già, bọc vải trắng thật căng và một thanh tre gọt mỏng để lấy bánh ra khỏi khuôn.
Để làm được bánh cuốn, khâu đầu tiên là chuẩn bị nguyên liệu chính, đó là gạo. Chọn gạo làm bánh cuốn là khâu rất quan trọng, gạo làm bánh là gạo tẻ được trồng ở Cao Bằng, trắng, hạt đều, dẻo thơm và dai; nếu gạo không ngon, bánh sẽ không trắng, mịn, có mùi thơm đặc trưng. Gạo đem về ngâm, vo sạch rồi đem xay ướt; trước đây, phải xay bằng cối đá, xay tay nhưng hiện nay phần lớn là xay bằng máy. Bột nước xay xong phải sánh, dẻo, không được đặc quá và cũng không loãng đảm bảo bánh vừa dai và mềm.
Nhân bánh người dân chọn là thịt lợn được băm nhỏ rang với hành khô dậy mùi thơm. Nước canh được ninh từ xương lợn vừa trong, vừa ngọt.
Bánh cuốn Cao Bằng vốn là thứ quà sáng nên từ 4 – 5 giờ sáng, các hàng làm bánh cuốn đã mở cửa, nhóm lò, bày biện chuẩn bị đón khách. Bên bếp lò đỏ rực, nồi nước bắt đầu sôi, người bán mở vung nồi, nhanh tay múc một muôi bột tráng đều lên mặt khuôn rồi đậy vung lại, khoảng 2 phút mở vung ra, khói bay nghi ngút, dùng thanh tre mỏng khéo léo lấy bánh lên khỏi khuôn bỏ lên mâm, rồi lại múc một muôi bột đổ lên khuôn. Bánh trên mâm được rải đều một lớp thịt bên trong và cuốn lại cho ra đĩa. Bánh cuốn Cao Bằng ăn với nước canh ninh xương kèm giò, chả và trứng. Bát nước canh múc ra cho thêm một thìa thịt băm và thêm một ít rau mùi, hành; tùy theo khẩu vị, người ăn có thể cho thêm ớt ngâm mác mật, mắm, chanh... sau đó thả bánh vào ăn nóng. Giò ăn kèm gói bằng lá chuối nhỏ bằng ngón tay cái, có 2 loại giò thường và giò nấm hương cho thực khách lựa chọn.
Ngon và hấp dẫn hơn cả là bánh cuốn trứng, khi bánh đang trên khuôn, người tráng đập quả trứng gà vào giữa khuôn bánh rồi đậy vung lại, bánh chín cuộn bọc lấy lòng đỏ trứng gà, vuông vắn trên khuôn, dùng muôi lấy vào bát cho khách. Khi ăn, thực khách cảm nhận vị ngọt xương hầm hòa quyện với hương vị hành, vị thơm của thịt phi hành, vị dai của bánh trong nước dùng. Nhiều du khách phương xa lần đầu tiên ăn bánh cuốn với canh cảm thấy thật lạ lẫm nhưng khi thưởng thức ai cũng khen ngon bởi vị đậm đà, tinh tế khác xa so với nơi khác.
Vào các buổi sáng cũng như vào tầm trưa, hầu như ở tuyến phố, con đường nào cũng có một hàng bánh cuốn. Các quán bày biện đơn giản, gồm một bếp lò tráng bánh đun bằng củi, vài chiếc bàn con và ghế gỗ xung quanh… nhưng hàng nào cũng có người ăn.
Đặc biệt, khi thưởng thức bánh cuốn Cao Bằng không được vội, người tráng bánh tay thoăn thoắt phục vụ từ 3 – 4 khách một lúc, nhưng người ăn thì cứ từ từ, một phần do nước canh nóng, phần thì chờ đến lượt. Khách đến trước ăn trước, khách đến sau ăn sau; nếu có trẻ nhỏ thì nhường cho ăn trước. Không có khách, người bán rút củi bớt khỏi lò, không tráng vì bánh cuốn phải ăn nóng mới ngon.
Tùy theo cách pha chế bột, nước canh... mà mỗi hàng bánh cuốn có một lượng khách riêng. Hàng nào ngon hơn khách sẽ đông hơn mặc dù phải chờ lâu. Nhiều đoàn khách khi nghe kể về bánh cuốn Cao Bằng thì khi lên đến đây đã kiên nhẫn ngồi chờ để thưởng thức món bánh cuốn; có người mua đem về, nhưng bánh cuốn Cao Bằng ăn nóng và ngồi ngay tại quán mới thực sự ngon và hấp dẫn.
Bánh cuốn Cao Bằng là đặc trưng văn hoá ẩm thực, mang hương vị riêng của người Cao Bằng mà khách phương xa không thể bỏ qua nếu có dịp đến Cao Bằng. Một chút xíu nữa thôi, đoàn nhà mình sẽ được thưởng thức món bánh cuốn này ạ.
Cũng đã đến bữa ăn trưa của đoàn nhà mình rồi ạ. Mọi người đã thấy đói chưa ạ? Nếu rồi thì hãy tập trung rồi đoàn nhà mình sẽ di chuyển lên xe để về trung tâm Cao Bằng ăn trưa tại nhà hàng được không ạ? Em cảm ơn rất nhiều ạ.
Vâng kính thưa quý cô chú và anh chị chỉ còn 10 phút nữa thôi là xe của chúng ta sẽ về tới trung tâm thành phố Hà Nội rồi ạ. Kết thúc chuyến hành trình 3 ngày 2 đêm. Quả đúng là chợ chiều chưa họp đã tan, chưa kịp thắm thì đã chan chứa buồn. 10 phút nữa thì em sẽ phải nói lời chia tay đến quý cô chú và anh chị sau một khoảng thời gian gắn bó đầy duyên và phận. Cũng bởi có men thì rượu mới say lòng, duyên mới gặp nhau trong chuyến này thì mấy bữa mấy ngày, rượu chưa kịp uống nhưng say trong lòng. Cảm ơn quý cô chú và anh chị đã dành tình cảm cho em trong những vừa qua. Đã coi em là một thành viên trong đoàn xin được gửi lời cảm ơn đến anh/chị trưởng đoàn, người đã tận tâm tận tụy không ngại khó mà cũng chẳng ngại khổ để lo cho đoàn của chúng ta trong suốt chuyến hành trình, lo đến nỗi đêm nằm chẳng thiết ăn gì, ngày lo không ngủ cũng vì đoàn ta, cũng vì lo cơm, lo nước, lo trà, lo xe đi lại, lo phà qua sông. Và chúng ta hãy gửi một tràng pháo tay thật lớn đến anh/chị trưởng đoàn của chúng ta được không ạ? Và lời cảm ơn tiếp theo, em xin được gửi tới bác tài tận tụy, người đã dành cả trái tim để di chuyển chiếc xe của đoàn chúng ta đường xa lên núi lên ngàn, vẫn luôn êm ái an toàn mọi nơi. Và chúng ta có thể gửi tới bác tài một tràng pháo tay thật lớn thay cho lời cảm ơn được không ạ? Và trong chuyến hành trình vừa qua cũng không thể tránh được những điều thiếu sót bởi bàn tay thì ngón ngắn ngón dài cẩn thận đến mấy cũng không tránh khỏi được 1 2 lỗi lầm, cũng như là trong chuyến hành trình mà còn những điều gì thiếu sót, điều gì khiến cho cô chú và anh chị cảm thấy không hài lòng thì cũng rất là mong cô chú và anh chị chúng ta hãy lượng thứ. Cũng rất là mong chuyến hành trình tới sẽ lại tiếp tục được đồng hành cùng quý đoàn nhà mình ạ. Lời cuối cùng thì xin được trân thành cảm ơn tới quý đoàn nhà mình.
Nội dung nâng cao, liên hệ Wondertour để được hướng dẫn tải bài thuyết minh đầy đủ.
3.Để đăng ký: Tour Đông Tây Bắc – Cao Bằng – Bắc Kạn tại đây
Hoặc liên hệ với Wondertour
Địa chỉ: 100 Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội
Hướng dẫn viên: Nguyễn Thị Thu Ngân Số điện thoại: 0931722777 Bài thuyết minh độc quyền trên Wondertour, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức |