Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc địa phận các huyện Bá Thước và Quan Hóa, nằm ở phía tây bắc tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam, cách thành phố Thanh Hóa 130 km về phía tây bắc. Cách Thị Trấn Cành Nàng Khoảng Chừng 20 km Và cách Hà Nội Khoảng 178 km theo hướng Tây Bắc. “Pù Luông” theo tiếng thái nghĩa là “ ngọn núi cao nhất vùng”. Vào tháng 5 tháng 6 hàng năm là khoảng thời gian Pù Luông khoác lên mình màu xanh non của lúa mới, màu của nhựa sống, của khát vọng bình dị của cộng đồng cư dân nơi đây. Hay vào tháng 9 – 10 Pù Luông lại rực rỡ với gam “vàng” tươi cuốn hút mọi ánh nhìn. Pù Luông không chỉ có cảnh đẹp nên thơ mà con người nơi đây cũng là “đặc sản” văn hóa vô cùng đặc sắc.
[block id="tu-van-tour"]
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông được thành lập năm 1999, với diện tích 17.662 ha, gồm 13.320 ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và 4.343 ha phân khu phục hồi sinh thái. Pù Luông là tên gọi của đồng bào dân tộc Thái có nghĩa là đỉnh núi cao nhất trong vùng. Pù Luông được đánh giá là khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị về khoa học, kinh tế xã hội và du lịch sinh thái. Cùng với Pù Hu, rừng ở khu vực Pù Luông đóng vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn sông Mã ở tỉnh Thanh Hóa. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cách vườn quốc gia Cúc Phương 25 km, được nối liền với phần đuôi của vườn quốc gia Cúc Phương bằng hai dãy núi đá vôi màu xám chạy song song. Ở giữa là những thung lũng lúa. Phía bắc và đông bắc của khu bảo tồn Pù Luông giáp các huyện Mai Châu, Tân Lạc và Lạc Sơn của tỉnh Hòa Bình. Kéo dài từ phía tây xuống phía nam của khu bảo tồn là dòng sông Mã, từ điểm giáp giới của huyện Quan Hóa với huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) qua khu vực thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa) xuống gần thị trấn Cành Nàng (Bá Thước). Rừng nguyên sinh tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông là loại rừng kín nhiệt đới thường xanh theo mùa. Khu bảo tồn cũng tồn tại các thảm rừng thứ sinh như rừng tre nứa, cây bụi và đất nông nghiệp. Nằm cách không xa Vườn Quốc gia Cúc Phương, Pù Luông có sự tương đồng cao về khu hệ động thực vật so với Cúc Phương. Khu bảo tồn có hệ động thực vật phong phú, đa dạng về số lượng và chủng loại với 598 loài động vật thuộc 130 họ động vật có xương sống, trong đó có 51 loài quý hiếm (gồm 26 loài thú, 5 loài dơi, 6 loài chim, 5 loài cá nước ngọt, 6 loài bò sát),...
Về khu hệ động vật có xương sống, một báo cáo cho biết có tổng số 84 loài thú (gồm cả 24 loài dơi), 162 loài chim, 55 loài cá, 28 loài bò sát và 13 loài ếch nhái đã được ghi nhận. Khu hệ côn trùng tại Pù Luông có ít nhất là 158 loài bướm, 96 loài thân mềm trên cạn, trong đó có 12 loài thân mềm có thể là đặc hữu cho khu vực. Vỏ của loài ốc Oospira duci được phái hiện năm 2007 tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Khu bảo tồn này là nơi cư trú của báo gấm, báo lửa, hươu sao, gấu ngựa, sơn dương, voọc quần đùi trắng... Hệ thống đá Karst của hệ sinh thái núi đá vôi còn lưu giữ nhiều hang động đẹp.
[block id="tu-van-tour"]
Bên cạnh sự đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, nơi đây còn có sự đa dạng về bản sắc văn hoá của cộng đồng người Thái. Cộng đồng người Thái ở Pù Luông trải qua hàng trăm năm lịch sử, gắn kết, hòa quyện tạo nên những “ giá trị văn hóa”đặc sắc mang thương hiệu du lịch Pù Luông mà không nơi nào có được. Những nét văn hóa đó quả thực là “sản vật” mà mọi du khách đều muốn khám phá và trải nghiệm. Người Thái ở Pù Luông cư trú ở các bản trong đó có kho mường là nơi lưu giữ nguyên vẹn những giá trị văn hóa của người Thái . Trong văn hóa của người Thái, nhà sàn không đơn thuần là nơi cư trú mà còn là nơi lưu trữ những văn hóa của mỗi gia đình người Thái. Nhà của người Thái thường định cư gần nguồn nước, mỗi bản có từ vài chục đến hơn trăm nóc nhà kề bên nhau, người Thái ở nhà sàn, kết cấu bằng gỗ, với những hàng cột gỗ vuông hoặc tròn được kê đá, sàn cao, lợp lá cọ hoặc ngói. Mỗi nhà tùy theo gia cảnh mà dựng 3 gian hoặc 5 gian.Trong hôn nhân gia đình, hiện vẫn còn duy trì tục ở rể, vài năm sau, khi đôi vợ chồng có con mới về nhà chồng sinh sống rồi sau đó tách hộ ra ở riêng.
Nói đến văn hóa của người Thái thì không thể không nhắc tới trang phục của cộng đồng người Thái ở Pù Luông. Trang phục truyền thống, nam giới mặc quần áo thổ cẩm màu chàm xanh hoặc chàm đen, phụ nữ Thái hiện nay vẫn gắn bó với trang phục truyền thống: Áo cỏn màu trắng, xanh hoặc đen bó sát thân với hàng khuy bạc trắng, váy dài đen quấn suông hoặc được thêu viền hoa văn ở gấu. Cùng với váy, áo phụ nữ Thái Đen còn có chiếc khăn Piêu thêu hoa văn bằng nhiều loại chỉ màu rất sặc sỡ và đẹp. Đồ trang sức của phụ nữ chủ yếu là vòng bạc, xuyến bạc đeo ở cổ vàt ay; hoa tai bằng bạc hoặc vàng. Văn hóa của người Thái ở Pù Luông còn được thể hiện rõ ràng nhất thông qua các sản phẩm văn hóa tinh thần. Đồng bào Thái rất thích ca hát, đặc biệt là khắp. Khắp là lối ngâm thơ hoặc hát theo lời thơ, có thể đệm đàn và múa. Nhiều điệu múa như múa xòe, múa sạp, múa quạ trất độc đáo đã được trình diễn trên sân khấu trong và ngoài nước, hấp dẫn đông đảo khán giả.Vào dịp lễ hội, hạn khuống và ném còn là hai trò chơi mang nét đặc trưng văn hóa nổi tiếng của người Thái.
[block id="tu-van-tour"]
Đặc biệt trong hành trình khám phá văn hóa của người Thái đừng quên tham gia vào phiên chợ “phố Đoàn” nơi diễn ra các hoạt động trao đổi buôn bán vô cùng đặc sắc. Chợ Phố Đoàn của người Thái thường diễn ra vào thứ năm và chủ nhật hàng tuần, phiên chợ không đơn thuần là nơi trao đổi buôn bán mà còn là nơi giao lưu, chia sẻ của cộng đồng cư dân nơi đây. Đến với chợ Phố Đoàn bạn sẽ cái nhìn đầy đủ, sinh động về văn hóa của người Thái, về những hoạt động kinh tế, thương mại nơi đây.
Văn hóa của cộng đồng người Thái còn được thể hiện thông qua những nét đẹp trong văn hóa ẩm thực. Giống như các vùng rẻo cao của Tây Bắc, Pù Luông cũng có nhiều sản vật vùng cao, như: heo cắp nách (heo cỏ), vịt suối, măng rừng, gà đồi… Từ nguồn nguyên liệu tự nhiên phong phú này mà người dân đã làm ra rất nhiều món ngon độc đáo. Đến Pù Luông, chúng ta nên một lần thử cơm lam với thịt nướng, gà đồi nướng hay vịt cỏ luộc, vịt om măng rừng… để có thể cảm nhận được hương vị núi rừng.
Nổi tiếng nhất của vùng đất nơi đây chính là cơm lam ăn kèm thịt nướng. Đây là món ăn vô cùng quen thuộc trong bữa ăn của người dân nơi đây. Cơm lam của ở Pù Luông có vị ngon đặc biệt bởi dùng loại gạo nương có hạt to, mẩy, trắng và có mùi thơm, một món ăn rất giản dị mang hương vị đặc trưng của núi rừng. Sự hòa quyện giữa mùi thơm của gạo nếp với hương thơm của tre, nứa tiết ra, tạo nên dư vị hấp dẫn của cơm lam Pù Luông. Còn đối với món thịt nướng thì nguyên liệu chính để làm món này là heo cỏ. Thịt ba chỉ thái vừa ăn, ướp gia vị rồi quấn lá bưởi bên ngoài, kẹp vào thanh tre nướng trên than hồng. Dưới sức nóng của than, thịt săn vàng, tỏa mùi thơm. Món này thường ăn kèm với cơm lam, muối vừng.
Một món ăn khác mà người địa phương thường đãi du khách cũng rất nổi tiếng chính là vịt Cổ Lũng (thường gọi là vịt suối). Đây là giống vịt đặc trưng của xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Điểm hấp dẫn của giống vịt này là xương nhỏ, thịt chắc, nạc và mềm. Vịt ở đây được nuôi thả trên các khe suối, kiếm ăn tự nhiên trong nguồn nước chảy từ núi đá, nên thịt có vị thơm ngon nức tiếng gần xa. Chính vì thế vịt Cổ Lũng còn gọi là vịt “Tiến vua”, đủ để thấy sự quý hiếm và thơm ngon của loài vịt này. Đặc sắc hơn khi vịt được chế biến với nhiều loại cây rừng địa phương, trong đó phải kể đến món vịt om măng rừng. Măng của núi rừng Tây Bắc được xem là đặc sản vì giòn, ngọt; kết hợp với thịt vịt mềm, thơm đã tạo nên món ăn rất đặc sắc người dân tộc Thái ở vùng Pù Luông.
[block id="tu-van-tour"]
Tại Pù Luông còn có một món ăn khá độc đáo là gỏi cà dại trộn hoa đu đủ đực. Đây là món ăn rất đặc trưng của người Thái, tuy nhiên để thưởng thức món này, thì cần phải đặt trước. Nguyên do là cà dại rừng và trái mắc khén rất khó tìm. Món gỏi hoa đu đủ này có vị mằn mặn của muối, vị ngậy của cà rừng và mùi thơm the mát của mắc khén cùng tỏi ớt hòa quyện và chút đắng ngắt của hoa đu đủ. Tuy nhiên, đây lại là món ăn rất thanh mát và có giá trị như bài thuốc giúp cải thiện tiêu hóa, phòng chống ung thư. Một lần đến Pù Luông, chúng ta cũng nên thử món này để cảm nhận hương vị dân dã vùng cao. Người Thái ở Pù Luông còn có món rượu cần cay nồng là đặc sản không thể thiếu trong mỗi bữa cơm đậm nghĩa tình. Rượu cần được làm từ men sắn và nước suối nên hương vị rất đậm đà và đặc biệt, vị cay cay ngọt ngọt khiến người uống say lúc nào không biết.
Bài thuyết minh nhiều nguồn tài liệu khác nhau, có thể tham khảo!
Đăng ký tour
Để đăng ký tour Pù Luông, mời quý khách đăng ký tại đậy
Hoặc liên hệ với Wondertour
Điện thoại: 02437722777, Hotline: 0931722777
Hướng dẫn viên: Phạm Lan Hương Bài thuyết minh độc quyền trên Wondertour, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức |